Những chung cư cao chót vót đi kèm với các công trình công cộng hiện đại, những dãy nhà liên kế được thiết kế đồng bộ về kiến trúc nằm trải dài sát nhau, những cung đường được phân làn, trồng cây xanh rợp bóng mát… là bộ mặt của ấp 4B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Một góc phố trong ấp 4B.

Dù chỉ là một ấp nhưng diện tích ấp 4B là 150ha, gấp rưỡi diện tích phường Bến Thành (quận 1), dân số trên 6.000 người, xấp xỉ dân số của cả xã Bình Lợi cùng huyện. Về độ sầm uất, nằm trong địa phận ấp 4B là khu dân cư Trung Sơn (một trong những khu đô thị mới đầu tiên của TP.HCM), khu dân cư – biệt thự Him Lam, Vạn Thịnh Phát, Sadeco... dự án bệnh viện Mắt TP.HCM, cả khu trung tâm thể dục thể thao Tân Trung Sơn. Tính sơ còn có hơn 200 trụ sở công ty, cửa hàng, quán ăn giăng khắp các tuyến đường.

Ông Nguyễn Văn Hồng, bí thư xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh cho biết, mang tiếng là xã nông nghiệp nhưng xã Bình Hưng chỉ còn khoảng 200ha đất nông nghiệp trên tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 1.372ha. Dân số toàn xã 66.065 dân, nhưng diện thường trú chỉ chiếm 20,8%. Thời gian tới, hàng loạt khu dân cư mới hình thành ở khu Nam thành phố thì dân số sẽ tiếp tục tăng, áp lực về quản lý hành chính của chính quyền địa phương sẽ nặng nề hơn. Mặt khác, hầu hết người dân chuyển sang làm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ.

“Do tốc độ đô thị hoá nhanh nên cơ chế quản lý hành chính của xã không còn phù hợp, vượt quá tầm quản lý của chính quyền địa phương”, ông Hồng than thở. Đi kèm việc “vượt quá tầm quản lý” là hàng trăm chuyện dở khóc dở cười của cán bộ thuộc ấp nhưng phải làm công việc quản lý đô thị của thành phố. Đơn cử, về bộ máy quản lý nhà nước tại các xã thì chỉ có cán bộ chuyên trách về kinh tế xã hội chứ không có cán bộ chuyên trách về đô thị, nên khi người dân muốn xin phép xây dựng nhưng không biết cơ quan nào chịu trách nhiệm. Đó là chưa kể, theo quy định ở ấp, xã nông thôn thì được miễn xin cấp phép xây dựng nhưng khu dân cư như khu Trung Sơn, Him Lam nếu miễn giấy phép xây dựng thì không biết sẽ quản lý theo cách nào?

Trước tốc độ phát triển đô thị chóng mặt mà trình độ quản lý cấp huyện không theo kịp, mới đây UBND lãnh đạo xã Bình Hưng đã kiến nghị thành phố cho phép xã chuyển thành phường Bình Hưng. Bởi theo bí thư Nguyễn Văn Hồng, với điều kiện hiện nay như đã nói thì Bình Hưng dư sức thành phường.

Tìm áo mới cho vừa cỡ

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hoà, trưởng bộ môn đô thị học trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, phải thay đổi mau chóng trong tư duy, quan niệm và luật để tiến tới thay đổi trạng thái này, vì quá trình đô thị hoá theo chiều rộng vẫn tiếp tục với tốc độ nhanh. Nhưng để làm điều này thì TP.HCM phải được gọi là vùng đô thị hay đại đô thị. Với cách tổ chức này thì các khu đô thị mới như Hiệp Phước, Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm sẽ được gọi là thành phố hay thị trấn? Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận một bước quá độ là có ban quản lý khu đô thị mới đến khi mà cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dân cư ổn định thì chuyển giao cho cấp quản lý hành chính là UBND thị trấn. Ban quản lý khu cũng như ban tự quản không có chức năng quản lý nhà nước. Mô hình này rất phổ biến ở các nước trên thế giới. Ví dụ, thủ đô của Philippines bao gồm 16 thành phố và hàng chục thị trấn.

ThS Võ Thị Ngọc Anh, phó phòng tổng hợp viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM, cũng cho rằng, câu chuyện về sự quá tải trong quản lý hành chính ở các xã đô thị hoá tại thành phố... chính là một minh chứng cho sự bất cập, vì dùng chung một thước đo đánh giá công việc của bộ máy hành chính của tất cả các địa phương. Giải pháp căn cơ nhất là giao quyền chủ động cho đô thị lớn, để các đô thị này tự quyền quyết định thiết kế bộ máy hành chính địa phương. Nhưng làm được điều này phải thay đổi rất nhiều, không chỉ trong cơ chế mà cả trong tầm nhìn của những người đứng đầu thành phố. Ngay từ năm 2007, khi đề án chính quyền đô thị đưa ra, TP.HCM đã đề xuất cho thành lập các thành phố ở bốn hướng đông tây nam bắc, trong đó một phần của Bình Chánh sẽ thuộc một trong các thành phố đó.

Vũ Nguyễn (Sài Gòn tiếp thị)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.