Tình trạng cán bộ “vừa làm vừa nghe ngóng” đã làm khổ doanh nghiệp. Ảnh: Gia Khiêm
14 năm không thể triển khai
Năm 2004, Công ty Phú Long trúng đấu giá gần 45 ha đất ngay mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ (H.Nhà Bè, TP.HCM). Sau đó, công ty này đã nộp tiền đấu giá cũng như các nghĩa vụ tài chính và được UBND TP.HCM cấp sổ đỏ để triển khai dự án.
Thế nhưng, khi Công ty Phú Long triển khai dự án, vẫn còn 1 hộ dân không chịu di dời, vẫn xây dựng và kinh doanh mua bán trên khu đất. Không những vậy, thời gian gần đây còn phát sinh thêm mấy hộ dân quay lại đòi đất, cản trở Công ty Phú Long thi công dự án.
Chính phủ đang đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng nhằm mục đích làm trong sạch bộ máy, minh bạch hóa bộ máy công quyền, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm. Không phủ nhận sự cần thiết của việc này nhưng về trung hạn cũng sẽ làm giảm đáng kể số dự án và sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung. Ông Nguyễn Trần Nam (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN) |
“Mười mấy năm qua công ty đã có nhiều văn bản gửi UBND TP, các sở ngành để kêu cứu, đề nghị giải quyết vướng mắc nêu trên nhưng đến nay chính quyền vẫn chưa thể thu hồi đất giao.
Việc không thể triển khai dự án trên chính khu đất đã được UBND TP cấp sổ đỏ trong mười mấy năm qua đã làm công ty mất rất nhiều cơ hội kinh doanh và thiệt hại vô cùng lớn về mặt tài chính”, ông Phùng Chu Cường, Tổng giám đốc Công ty Phú Long, cho biết.
Tương tự, năm 2006 Công ty Phú Long được UBND TP.HCM giao làm chủ đầu tư dự án ngầm hóa đường dây điện 220 Kv Nhà Bè - Tao Đàn dài 3.202 m. Từ năm 2011 - 2013, Công ty Phú Long đã chuyển cho Trung tâm phát triển quỹ đất hơn 153 tỉ đồng để phục vụ công tác đền bù, nhưng đến nay dự án chậm tiến độ chưa thể triển khai do chưa giải phóng xong mặt bằng.
Theo báo cáo của UBND H.Nhà Bè, dự án có 111 hộ bị ảnh hưởng, nhưng mới bồi thường được 94 hộ, còn 9 hộ chưa nhận tiền và chưa bàn giao đất, 8 hộ chưa xác định chủ sử dụng.
Dự kiến việc bồi thường sẽ hoàn tất vào cuối năm 2019. “Ngoài những thiệt hại về chi phí tài chính, cơ hội đầu tư, lãi vay... dự án chậm triển khai còn bị đội giá và thiệt hại này doanh nghiệp (DN) phải gánh chịu”, ông Cường nói.
Lãnh đạo một công ty bất động sản tại Q.7 (TP.HCM) phàn nàn mấy năm nay dự án công ty không triển khai được do vướng trạm điện.
Thực tế, dự án di dời, ngầm hóa trạm điện đã được duyệt từ lâu. DN sẵn sàng bỏ tiền túi ra làm thay cho nhà nước nhưng vẫn chậm do vướng... thủ tục.
“Dự án đã xây dựng được 1 block chung cư, còn 1 block nữa mấy năm nay vẫn chưa xin được giấy phép xây dựng do vướng trạm điện không thể di dời, nhưng chúng tôi cũng không biết kêu ai”, vị này cho biết.
Cũng mấy năm nay, Công ty TNHH dịch vụ An Hạ điêu đứng vì sự thờ ơ của Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP.HCM mà dự án nhà máy giết mổ gia súc của công ty ở H.Củ Chi không thể triển khai được.
Đại diện DN này cho biết, sau nhiều năm làm thủ tục, pháp lý, UBND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu Sở KH-ĐT lấy ý kiến để UBND TP ra quyết định chủ trương cho thuê đất. Đến nay, các sở ngành đã gửi ý kiến về Sở KH-ĐT thống nhất cho triển khai dự án, duy nhất Sở TN-MT chưa gửi ý kiến khiến việc ra quyết định cho thuê đất không thực hiện được.
“Hiện toàn bộ khu đất rộng hơn 30.000 m2 đã san lấp, xây dựng hàng rào và một số hạng mục. Máy móc thiết bị cũng đã nhập về nhưng do chưa có quyết định cho thuê đất của TP nên không thể xin giấy phép xây dựng.
Công ty đã rất nhiều lần liên hệ, làm việc với Sở TN-MT nhưng không hiểu vì lý do gì hồ sơ vẫn bị ngâm ở đây quá lâu. Điều này gây thiệt hại lớn cho chúng tôi vì chúng tôi thực hiện dự án theo chủ trương kêu gọi của TP”, vị này cho biết.
Thêm điểm nghẽn "trách nhiệm"
Theo phản ánh của nhiều DN, thời gian gần đây việc xử lý một số quan chức, lãnh đạo cơ quan chức năng tại TP.HCM liên quan đến những sai phạm trong quản lý đất công khiến việc ký duyệt hồ sơ liên quan đến đất đai đều chậm hoặc “tắc”.
“Hồ sơ sai đã đành, hồ sơ có làm đúng pháp luật, sở này cũng hỏi sở kia hoặc trả lời phải hỏi ý kiến ngoài trung ương rồi mới dám ký. Tâm lý của các lãnh đạo sở ngành bây giờ sợ trách nhiệm. Nếu điều này cứ kéo dài mãi chắc chắn DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, một DN cho biết.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN, thừa nhận hiện nay đang có điểm nghẽn về thủ tục hành chính. Đã có hiện tượng nhiều dự án bất động sản của các nhà đầu tư trong nước không được hoặc chậm phê duyệt, cấp phép do các cán bộ “vừa làm vừa nghe ngóng” hoặc đùn đẩy lên cấp trên làm chậm thời gian triển khai ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án.
Điều này không chỉ các DN cảm nhận được, mà ngay ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cũng đã “nhìn” thấy.
Theo ông Phong, các cuộc thanh tra, khởi tố giúp TP nhận thức rõ những hạn chế, khuyết điểm, thẳng thắn nhìn nhận và tập trung giải quyết để làm tốt hơn trong thời gian tới nhưng cũng làm giảm sự năng động của đội ngũ cán bộ, công chức dẫn đến đôi lúc chậm giải quyết hồ sơ hành chính.
Trước khó khăn trên, ông Phong chỉ đạo các sở ngành phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN. Mỗi quý lãnh đạo TP sẽ họp giao ban, gặp gỡ các DN để lắng nghe các bức xúc, kiến nghị và từ đó tháo gỡ khó khăn.