Vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân rất chậm, ước chỉ đạt 67% năm nay. Ảnh: TL.
Vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước giải ngân trong năm nay ước tính chỉ được 109.094 tỉ đồng, đạt gần 83% kế hoạch, trong đó vốn trong nước đạt 77,8% kế hoạch, vốn ngoài nước đạt 90% kế hoạch.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số bộ, ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
Những con số này cho thấy, việc giải ngân vốn đầu tư công không hoàn thành kế hoạch trong năm nay, dù có Nghị quyết số 60/2016/NQ-CP của Chính phủ trong tháng 7-2016 và Công điện số 2144/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 10.
Tại cuộc họp của Tổ giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ chiều 23-12, theo thông báo của Chính phủ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, người giữ vị trí Tổ trưởng, cho rằng các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều cố gắng, nhưng tốc độ giải ngân của những tháng cuối năm không đủ bù đắp lại sự chậm trễ của những giai đoạn đầu năm. Mặc dù Luật Đầu tư công quy định tới ngày 30-1-2017 mới hoàn thành thanh toán, giải ngân vốn kế hoạch năm 2016 nhưng với tình hình như hiện nay thì sẽ không đạt giải ngân 100% kế hoạch.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng bày tỏ sốt ruột khi số vốn dư 16.000 tỉ đồng từ 2 dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên chưa được Bộ Giao thông Vận tải giải ngân mặc dù Thủ tướng đã giao vốn thực hiện từ tháng 10 vừa qua.
Nguyên nhân của sự chậm trễ được Phó thủ tướng chỉ ra là do vướng mắc trong hệ thống pháp luật, văn bản hướng dẫn, trong áp dụng và thực thi pháp luật, sự trì trệ của bộ máy, thiếu chuyên nghiệp, thể hiện sự phối hợp chưa chặt chẽ của các bộ, ngành với nhau.
Để tiếp tục thực hiện kế hoạch năm 2016 và thúc đẩy giải ngân trong năm 2017, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục chủ trì và phối hợp với các bộ rà soát các vấn đề liên quan tới quy định của pháp luật, phân định rõ từng vướng mắc là do luật, nghị định, thông tư, hay không vướng mắc pháp luật mà vướng vì nhận thức của cán bộ và áp dụng pháp luật để tăng cường tháo gỡ, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương.
Trong việc sửa đổi Nghị định 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng tiếp tục tăng cường phân cấp trong phê duyệt thẩm định dự án; tiếp tục khắc phục những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, phối hợp các bộ, ngành trong triển khai các dự án đầu tư công.
Với các bộ, ngành, địa phương giải ngân chỉ được 50% vốn kế hoạch thì phải kiểm điểm nghiêm khắc trước Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất ngày 31-12-2016 gửi báo cáo tình hình nêu rõ số giải ngân tuyệt đối, danh mục dự án chậm giải ngân và đề xuất việc điều chuyển vốn sang các dự án khác, thậm chí là cắt giảm vốn đầu tư.
Về việc chưa giải ngân được số vốn dư 16.000 tỉ đồng từ các dự án mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, Bộ Giao thông vận tải và các bộ liên quan phải báo cáo cụ thể cho từng dự án, gửi trước ngày 31-12-2016. Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ xử lý trách nhiệm cá nhân các cán bộ làm chậm việc giải ngân số vốn này.
Phó thủ tướng cũng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ các loại dự án kéo dài từ năm nay sang năm 2017, chỉ cho phép dự án kéo dài vì nguyên nhân khách quan; Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục cập nhật tình hình giải ngân vốn đầu tư công để phục vụ cho phiên họp Chính phủ với các địa phương vào cuối tháng này.