04/07/2012 9:27 PM
Áp lực tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sẽ tập trung ưu tiên giải ngân vốn và giải quyết vấn đề thị trường cho nông nghiệp, nông dân và sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

GDP có thể thấp hơn 6%

Ngày 4/7, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, kinh tế xã hội cả nước 6 tháng đầu năm đã bám sát so với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã được đề ra trong năm 2012.

Vấn đề hiện tại không còn lo lạm phát cao mà lo lạm phát nếu bị kéo xuống quá thấp sẽ gây khó cho tăng trưởng cũng như sản xuất kinh doanh, vì thế người đứng đầu Chính phủ khẳng định việc điều hành cố gắng không để lạm phát quá thấp, mà khả năng cả năm ở mức 7-8%.

Đến nay, tăng trưởng GDP quý II/2012 tiếp tục cao hơn quý I (mức 4,66% so với 4%). Càng về các quý cuối năm, con số tăng trưởng càng cao, dự kiến tổng tăng trưởng GDP cả nước năm 2012 sẽ vào khoảng 5,2-5,7% thấp hơn so với 6-6,5% tăng trưởng mục tiêu cả năm mà Quốc hội đề ra.

Để đạt được điều này, 6 tháng còn lại, Thủ tướng chỉ đạo phải nỗ lực và quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh gắn với chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Trước hết, tập trung tháo gỡ số vốn mà chúng ta đã bố trí rồi nhưng chưa đưa ra được và thực hiện tăng tín dụng cho doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế là nông nghiệp.

Tréo ngoe ở chỗ lượng vốn trong ngân hàng thừa ứ, lượng tiền huy động ngày càng nhiều lên nhưng cho vay ra không được. Mục tiêu cả năm đề ra là tăng trưởng tín dụng 14-16% nhưng 6 tháng đầu năm cả nước không có nổi % tăng trưởng. Vì thế áp lực giải ngân vốn dồn lại hết vào nửa cuối năm mà thực tế sản xuất kinh doanh đình đốn hiện nay khó có thể hấp thu được hết.

Dồn vốn cho sản xuất thực chất

Đồng ý với ý kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm 3/7, Thủ tướng đề nghị đưa lãi suất tái cấp vốn bằng 0% với số tiền hoàn toàn có khả năng là 20.000-30.000 tỷ, thẳng đến người nông dân sản xuất trong thời gian tới bằng giãn nợ, bằng lãi suất thấp...

Tiếp đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp gắn với doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn về vốn và đầu ra hiện nay cũng trong diện được ưu tiên xem xét. Thủ tướng bật mý, đồng vốn sẽ được đưa đến những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cạnh tranh tốt, có khả năng tiêu thụ và đưa vốn vào những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực xuất khẩu.

Hoạt động giải ngân đầu tư công cũng được đẩy mạnh với mục tiêu mỗi tháng cuối năm phải giải ngân hiệu quả với con số 23.000 tỷ đồng. Nếu quyết tâm làm, chúng ra sẽ ra được công trình, cải thiện sản xuất kinh doanh và sức mua, tạo công ăn việc làm, thu nhập. Đây không phải là tăng vốn, kích cầu cho nên nguồn vốn này không tạo ra lạm phát cho các năm sau.

Năm 2013: Tiếp tục chấn chỉnh đầu tư công

Thủ tướng phác họa, lạm phát năm 2013 sẽ vào khoảng 5-6% trong khi tăng trưởng GDP đạt mức 6-6,5%. Với mức ấy, lãi suất cho vay phù hợp ở khoảng 10-11%/năm, bội chi ngân sách giảm còn 4,7, nhập siêu kiểm soát không quá 10%, ổn định tỷ giá theo thị trường để khuyến khích xuất khẩu.

Năm 2014 và 2015, tiếp tục phải đặt mức độ tăng trưởng cao hơn để bình quân 5 năm, chúng ta có thể đạt con số tăng trưởng trung bình 7%/năm, lạm phát khoảng 5-6%.

Dự kiến tổng đầu tư toàn xã hội năm 2013 sẽ không tăng. Năm 2012, đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng tương đương 33% GDP, năm 2013, dự kiến con số này vào khoảng 34% GDP. Trong đó phần đầu tư từ ngân sách, kể cả trái phiếu chính phủ chỉ chiếm 20% đầu tư tập trung, 80% còn lại là huy động đầu tư toàn xã hội, thuộc về khối tư nhân và các thành phần kinh tế đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh, đầu tư vào hạ tầng, kể cả đầu tư nước ngoài.

Mục tiêu tái cơ cấu đầu tư công được lý giải là để khắc phục cho được tình trạng đầu tư công dàn trải, kéo dài, lãng phí, kém hiệu quả mà nhiều năm nay chưa sửa được. Vì thế để xử lý dứt điểm, Thủ tướng yêu cầu, các dự án đầu tư công phải được lập dự án, đánh giá một cách rất cụ thể, được cấp có thẩm quyền phê duyệt về sự cần thiết, quy mô và xác định, thu xếp được nguồn vốn rõ ràng.

Chưa có nguồn vốn rõ ràng thì chưa được khởi công, không được ghi tên để cho doanh nghiệp chạy vốn. Bên cạnh đó, phải tính và quy định lại thời gian hoàn thành cụ thể cho các dự án đầu tư công. Ví dụ dự án nhóm C không quá 2 năm, dự án nhóm B không quá 3 năm, dự án nhóm A tối đa 5 năm - Thủ tướng đề nghị.

Ngoài ra, các công trình xin vay tiền tài trợ ODA (không hoàn lại hoặc vay ưu đãi vốn ngân sách trả) cần phải quản chặt, tính toán kỹ, bố trí nguồn vốn đối ứng cũng như tốc độ giải ngân. Vốn ODA dự án, công trình nào khi dâng cũng phải chỉ rõ vốn đối ứng, nếu không ta không thể giải ngân dù dòng vốn ODA vẫn dồi dào. Hiện nay chúng ta cầm trong tay 16 tỷ đôla với 3 nhà tài trợ ODA song chưa thể giải ngân vì không có vốn đối ứng, không có tiền để thực hiện bước đầu tiên là giải phóng mặt bằng.

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.