Trước việc thiếu nguồn vật liệu để xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam, Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến các thành viên Chính phủ để ban hành nghị quyết áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho dự án này.
Theo dự thảo nghị quyết, dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam gồm có 11 dự án thành phần.
Trong đó, sáu dự án đã khởi công và năm dự án còn lại sẽ khởi công trong tháng 6 tới. Tuy nhiên, nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án thực tế chỉ đạt khoảng gần 70% yêu cầu.
Việc chậm cung cấp vật liệu dẫn tới một số dự án thành phần chậm tiến độ, nên cần thiết phải thực hiện một số cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản cho dự án trên.
Vì vậy, Chính phủ dự thảo nghị quyết sẽ cho phép UBND các tỉnh có dự án đi qua phê duyệt khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã có trong quy hoạch, đủ tiêu chuẩn và chỉ phục vụ thi công đường cao tốc là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Các nhà thầu tiến hành thi công nền đường dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: V.Long
“Quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã cấp phép, đang còn hiệu lực nhưng phải đáp ứng yêu cầu về an toàn trong khai thác, bảo vệ môi trường mà không phải lập dự án đầu tư mở rộng, báo cáo ĐTM bổ sung…”- dự thảo nghị quyết nêu rõ.
Đối với khu vực khoáng sản cấp phép khai thác mới, dự thảo yêu cầu địa phương xem xét ưu tiên cấp phép cho nhà đầu tư, nhà thầu sau khi rà soát đủ điều kiện của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật.
UBND các tỉnh cũng được giao sau khi khai thác đủ khối lượng cung cấp cho dự án, yêu cầu nhà đầu tư, nhà thầu thực hiện cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ, trả lại mỏ và đất đai cho địa phương để quản lý theo quy định.
Song song đó, tổ chức giám sát chặt chẽ khối lượng khoáng sản đã khai thác để yêu cầu tổ chức, cá nhân khai thác thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định, không để xảy ra tình trạng thất thoát tài sản Nhà nước.
“Trong quá trình khai thác, nếu phát hiện loại khoáng sản khác không phải là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thì yêu cầu tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải kịp thời báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường để xử lý theo quy định…” - dự thảo nghị quyết nêu rõ.
Ngoài ra, dự thảo nghị quyết cũng yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân không làm tròn trách nhiệm hoặc bao che cho hành vi đầu cơ, nâng giá vật liệu để trục lợi.
Theo thống kê của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), tính đến hết tháng 5-2021, trong sáu dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đang thi công thì có bốn dự án chậm.
Đó là Cam Lộ La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn – quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là do thiếu nguồn vật liệu đất đắp thi công nền đường.
Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT), đại diện chủ đầu tư dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, cho biết dự án đang thiếu đất đắp trầm trọng. Thậm chí, các nhà thầu sẵn sàng trả giá cao gấp đôi bình thường nhưng vẫn không có đất để mua.
Thậm chí, Tổng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đang thi công ba gói thầu lớn nhất tại dự án cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, đến nay nhà thầu mới ký được hợp đồng với các chủ mỏ với khối lượng chưa tới 300.000 m3, còn thiếu hơn 7 triệu m3.
Theo Bộ GTVT, nhu cầu sử dụng các loại vật liệu để phục vụ thi công cho toàn dự án với khối lượng rất lớn. Cụ thể, khối lượng đất đắp khoảng 60,7 triệu m3, khối lượng đá các loại khoảng 21,5 triệu m3, cát các loại khoảng 10,8 triệu m3…
-
Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Nguy cơ chậm tiến độ vì thiếu… đất đắp đường
Việc khan hiếm nguồn vật liệu thi công, đặc biệt là đất đắp nền đường khiến việc triển khai thi công dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, dự án trọng điểm quốc gia đứng trước nguy cơ bị chậm tiến độ.
-
Vụ xóa chữ trên biển báo cao tốc, Tập đoàn Sơn Hải tố hành vi phá hoại, đơn vị xóa chữ nói gì?
Trong khi Tập đoàn Sơn Hải cho rằng việc xóa dòng chữ “Sơn Hải bảo hành 10 năm” trên cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu là hành vi phá hoại thì đơn vị chỉ đạo xóa dòng chữ này đã có phản hồi giải thích lý do....
-
Nguồn vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm phía Nam hiện ra sao?
Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng nhu cầu cát khoảng 29 triệu m3. Hiện nay, các địa phương xác định nguồn cung 23 triệu m3.
-
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn được mở rộng lên 4 làn xe
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1244/QĐ-TTg ngày 23/10/2024 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn....