Chính phủ vừa ban hành Nghị định “siết” chặt cấp bảo lãnh vốn theo hướng giảm mức bảo lãnh tối đa xuống 70%. Nghị định trên được kỳ vọng sẽ giảm thiểu rủi ro cho Chính phủ, trong bối cảnh Chính phủ đang phải “gánh” không ít dự án khó khăn trong khả năng trả nợ.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính, mức bảo lãnh của Chính phủ sẽ giảm từ 80% xuống còn tối đa 70% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án. Riêng với những dự án có mức đầu tư lên đến 2.300 tỷ đồng trở lên, chỉ được bảo lãnh mức cao nhất là 60% và 50% áp dụng cho các dự án khác.
Đây được coi là biện pháp giảm tình trạng thụ động, ỷ lại vào cơ quan Trung ương như trước đây của một số chủ đầu tư, giúp kiềm chế tốc độ gia tăng nợ công.
Dự án nghìn tỷ phải tự “bơi”
Thông tin tại cuộc họp báo chuyên đề về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ, ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho biết theo Nghị định 04/2017/NĐ-CP sẽ thay thế Nghị định số 15/2011/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ đã có hiệu lực kể từ ngày 1/3, thay vì đặt “gánh nặng” trả nợ lên vai Chính phủ, các dự án nghìn tỷ phải “tự thân vận động”, các doanh nghiệp (DN) phải nỗ lực thu hút các nguồn vốn khác, bảo đảm nghĩa vụ trả nợ, đàm phán với bên cho vay để tái cơ cấu các khoản nợ.
Đặc biệt, Nghị định mới đã khắc phục được những tồn tại ở Nghị định cũ, như: Giá trị tài sản thế chấp được quy định rõ với mức tối thiểu bằng 120% trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.
Các mức phí bảo lãnh đã được điều chỉnh lại, với mức phí tối thiểu tăng từ 1,5%/năm trên số dư nợ được bảo lãnh lên 2%/năm; đồng thời bổ sung thêm hệ số năng lực tài chính của DN vào yếu tố tính phí bảo lãnh.
Ngoài ra, Nghị định đặt ra yêu cầu khắt khe về vốn chủ sở hữu (CSH), như: DN phải có vốn CSH tham gia dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư, phải bảo đảm đủ nguồn vốn theo tiến độ thực hiện dự án đối với các hạng mục phải chi từ vốn CSH. Khi quyết toán công trình, dự án phải bảo đảm đủ vốn CSH đã đăng ký khi nộp hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh.
Trả lời câu hỏi của PV về việc quy định mới có làm tăng thêm thủ tục hành chính cho DN, ông Hải khẳng định, quy trình, thủ tục thẩm định cấp bảo lãnh, thế chấp tài sản và quản lý rủi ro, trách nhiệm của các bên liên quan trong toàn bộ quy trình cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ cũng đã được quy định cụ thể để thể hiện đầy đủ và làm rõ quy trình thực tế triển khai, mà không làm tăng thêm thủ tục hành chính.
Quy trình mới về ngân hàng phục vụ và tài khoản dự án được bổ sung để tăng cường công tác quản lý bảo lãnh, kiểm soát khả năng trả nợ của chủ đầu tư và giảm bớt rủi ro tài chính cho Chính phủ, với tư cách là người bảo lãnh.
Tuy nhiên, Nghị định cũng có quy định cụ thể về điều khoản chuyển tiếp để hạn chế những vướng mắc có thể phát sinh cho các đối tượng liên quan, trong giai đoạn đầu Nghị định mới có hiệu lực.
Mức cấp bảo lãnh vốn cho các dự án sẽ giảm từ 80% xuống tối đa còn 70%
“Sàng lọc” cấp bảo lãnh
Thực tế, trước thời điểm Nghị định 04 chưa có hiệu lực, Chính phủ phải bảo lãnh nhiều khoản vay nợ lớn của các tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu nhà nước, như điện, dầu, than lên đến hàng chục tỷ USD. Việc phải bảo lãnh nợ vay lớn cho các tập đoàn kinh tế này đã đẩy nợ của Chính phủ vượt trần.
Theo kế hoạch Quốc hội phê duyệt giai đoạn 2011 - 2015 là 50% GDP. Tuy nhiên, năm 2015 vượt lên mức 50,3% GDP, dẫn đến nợ công tăng cao, nghĩa vụ trả nợ ngày càng lớn.
Chính vì “gánh nặng” này, ngay từ năm 2016, Chính phủ phải “siết” chặt cấp bảo lãnh. Vì vậy, tổng trị giá đã cấp bảo lãnh chính phủ trong năm 2016 là 170 triệu USD, giảm 3,27 tỷ USD về giá trị bảo lãnh so với năm 2015, giúp giảm sức ép lên nợ công.
Trong phần lớn các dự án, công trình trọng điểm quốc gia đã có chủ trương được cấp bảo lãnh chính phủ vay vốn thương mại trong nước đều đã chuyển sang phương thức tự vay tự trả, không có bảo lãnh chính phủ, cũng có không ít dự án Chính phủ từ chối cấp bảo lãnh do rủi ro cao. Ông Hải cho hay, việc “sàng lọc” cấp bảo lãnh chính phủ sẽ bảo đảm giới hạn cho vay an toàn và khả năng trả được nợ của DN, không làm tăng thêm nợ công.
Nêu dẫn chứng, ông Hải cho biết, năm 2016 siết chặt công tác quản lý và cấp bảo lãnh đã mang lại kết quả cao như: Tổng số dư nợ gốc tất toán trước hạn và giải phóng bảo lãnh thực hiện khoảng 22 triệu USD. Đến nay, toàn bộ dự án được cấp bảo lãnh vay vốn trong nước đều trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không phát sinh thêm trường hợp nào Quỹ Tích lũy phải đứng ra trả thay. Các dự án vay nước ngoài thực hiện tái cơ cấu tài chính cũng dần ổn định, tự trả nợ và không phải vay từ Quỹ Tích lũy.
Việc nâng cao vai trò của cơ quan chủ quản trong quy trình thẩm định, cấp bảo lãnh của Chính phủ cũng như các bộ đối với các DNNN; tăng cường các công cụ giám sát, quản lý rủi ro đối với cấp bảo lãnh chính phủ không chỉ nâng cao trách nhiệm của các DN đối với các dự án, mà còn giúp công tác quản lý nợ công được bảo đảm theo đúng kế hoạch.
Thanh Hoa (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.