Chiều 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Báo cáo nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết việc phân bổ và giải ngân nguồn vốn của Chương trình phục hồi kinh tế cho các nhiệm vụ, dự án còn chậm. Việc này tạo áp lực giải ngân lớn, nhất là trong kế hoạch năm 2023.
Về nguyên nhân, ông Dũng cho biết về khách quan, có một số doanh nghiệp, người dân thuộc đối tượng được hỗ trợ nhưng không đăng ký thụ hưởng chính sách, xuất phát từ tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra.
Trong khi đó, một số chính sách hỗ trợ lần đầu được xây dựng và triển khai chưa có tiền lệ, cần thời gian để đánh giá cụ thể tác động chính sách trước khi ban hành.
Một số dự án quan trọng quốc gia thuộc ngành giao thông có quy mô lớn, dự án đường cao tốc, dự án có tính chất liên vùng, mới được triển khai thi công, cần thời gian để hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định dẫn đến kết quả giải ngân kế hoạch vốn từ Chương trình phục hồi kinh tế còn hạn chế.
Để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định giảm 16.100 tỷ đồng kế hoạch vốn bố trí để thực hiện 4 chính sách cho vay ưu đãi.
Trong đó, giảm 6.000 tỷ đồng kế hoạch vốn thực hiện chính sách cho vay nhà ở chính sách xã hội; giảm 2.160 tỷ đồng kế hoạch vốn thực hiện chính sách cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến; giảm 6.700 tỷ đồng kế hoạch vốn thực hiện cho vay phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm 1.240 tỷ đồng cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.
Đồng thời, tăng 16.100 tỷ đồng kế hoạch vốn bố trí để thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, nâng tổng số kế hoạch vốn bố trí để thực hiện chính sách này là 26.100 tỷ đồng. Tổng số vốn thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn giữ nguyên theo hạn mức được Quốc hội cho phép (38.400 tỷ đồng).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quochoi
Chính phủ cũng đề xuất giảm toàn bộ số vốn của Chương trình đã bố trí cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện 5 dự án là 950 tỷ đồng và cho phép không thực hiện các dự án này. Đồng thời giảm số vốn của Chương trình đã bố trí cho Bộ Giáo dục và Đào tạo là 271,028 tỷ đồng của 2 dự án.
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có ý kiến để Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định một số nội dung.
Cụ thể, Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Đối với số vốn không giải ngân hết của chính sách sau khi kết thúc thời gian giải ngân kế hoạch năm 2022 và năm 2023, trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn, không huy động nguồn lực (dự kiến khoảng 38.592 tỷ đồng), đồng thời không làm tăng bội chi tương ứng với số vốn này.
Chính phủ còn đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình đến hết năm 2025. Vì hiện nay, ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình đến ngày 31/8/2023 chỉ đạt 33.840 tỷ đồng, tương đương 19,3% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Trường hợp không cho phép tiếp tục thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình sau ngày 31/12/2023 có thể dẫn đến việc các dự án thiếu vốn, không hoàn thành các mục tiêu đề ra tại chủ trương đầu tư dự án, có thể dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư, tạo sức ép bố trí vốn trong các năm còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
-
Bộ Kế hoạch & Đầu tư cập nhật 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay, cao nhất 6%
Trên cơ sở kết quả 9 tháng, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng quý 4 và cả năm 2023.
-
Kinh tế Việt Nam năm 2024: Nhiều điểm sáng ấn tượng
Bức tranh kinh tế Việt Nam 2024 ghi nhận nhiều điểm sáng ấn tượng với tăng trưởng GDP đạt 7,09% vượt mục tiêu đề ra; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 786 tỷ USD, cán cân thương mại duy trì xuất siêu; các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng ...
-
Nhu cầu toàn cầu giảm, giá gạo Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất hai năm
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống còn 460 USD/tấn, từ mức 481 USD/tấn của tuần trước. Đây là mức giá thấp nhất kể từ cuối tháng 3/2023.
-
Thống nhất phương án dự kiến giảm 8 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
Thông tin được đưa ra sau cuộc họp vào chiều ngày 11/1 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về "tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương khoá XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ ...