Sáng 30/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến điểm cầu 63 địa phương.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đã đi qua 3/4 chặng đường của năm 2023 trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.
Kinh tế vĩ mô vẫn giữ được sự ổn định
Thông tin thêm về tình hình kinh tế thế giới, Thủ tướng cho biết, theo dự báo gần đây, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 ở mức khoảng 3%. Tuy nhiên, Trung Quốc, Nhật Bản, EU phục hồi yếu hơn, một số nước như Đức tăng trưởng âm. Đáng chú ý, lãi suất điều hành của Mỹ hiện nay là 5,25-5,5% và có thể tiếp tục tăng trong năm 2023.
Trong nước, nước ta “tác động kép” từ các yếu tố bất lợi bên ngoài và những vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn.
Kinh tế vĩ mô trong nước vẫn giữ được sự ổn định, lạm phát được kiểm soát
Mặc dù vậy, kinh tế vĩ mô trong nước vẫn giữ được sự ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức không nhỏ như tăng trưởng thấp hơn kế hoạch; sức ép lạm phát còn cao; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tiếp cận tín dụng còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng…
Thủ tướng đề nghị tập trung phân tích, làm rõ thêm những điểm mới của tình hình như điều hành lãi suất của các nước, giá dầu, lương thực…, từ đó có phản ứng chính sách kịp thời, chính xác, hiệu quả, thúc đẩy được các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu…
Đặc biệt, các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực thế nào để nâng cao tính chủ động, tích cực, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, tăng cường đổi mới sáng tạo, thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả hơn, từ đó tạo ra đột phá, đạt kết quả theo yêu cầu và mong muốn.
3 kịch bản tăng trưởng
Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô tháng 9 và 9 tháng cơ bản ổn định và tiếp tục duy trì chuyển biến tích cực. Nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, quý sau tăng nhanh hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước.
Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 3 ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 tăng 3,28%, quý 2 tăng 4,05%) trong bối cảnh nhiều nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng thấp. Trong đó, khu vực nông nghiệp và dịch vụ lần lượt tăng 3,72% và 6,24%, là động lực thúc đẩy tăng trưởng chính của nền kinh tế.
Dù vậy theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khó khăn, thách thức đặt ra còn lớn, phụ thuộc nhiều vào xu hướng, bối cảnh chung toàn cầu, nên khó có thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn; tạo rủi ro, sức ép lên điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô,...
Do đó, trên cơ sở kết quả 9 tháng, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng quý 4 và cả năm 2023.
Theo kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,0%, quý 4 cần tăng 7,0% (quý 4 năm 2022 tăng 5,92%).
Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý 4 cần tăng 8,8%.
Kịch bản 3: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý 4 cần tăng 10,6%.
Theo ông Dũng, tăng trưởng quý 4 phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam, hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024, là cơ sở để xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn.
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng các bộ ngành địa phương cần thúc đẩy mạnh tăng trưởng, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường nội địa; thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Bên cạnh đó, tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đầy mạnh xuất khẩu; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển.
Song song với các giải pháp trên, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng cần đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
-
Kinh tế Việt Nam 9 tháng 2023: Nhiều tín hiệu tích cực
Bức tranh kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2023 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực khi tốc độ tăng trưởng GDP quý 3 cao hơn các quý trước, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mốc gần 500 tỷ USD, cán cân thương mại xuất siêu 21,68 tỷ USD, vốn FDI giải ngân 9 tháng cao nhất trong 5 năm qua,... theo số liệu mới công bố của Tổng cục thống kê.
-
Kinh tế Việt Nam năm 2024: Nhiều điểm sáng ấn tượng
Bức tranh kinh tế Việt Nam 2024 ghi nhận nhiều điểm sáng ấn tượng với tăng trưởng GDP đạt 7,09% vượt mục tiêu đề ra; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 786 tỷ USD, cán cân thương mại duy trì xuất siêu; các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng ...
-
Nhu cầu toàn cầu giảm, giá gạo Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất hai năm
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống còn 460 USD/tấn, từ mức 481 USD/tấn của tuần trước. Đây là mức giá thấp nhất kể từ cuối tháng 3/2023.
-
Thống nhất phương án dự kiến giảm 8 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
Thông tin được đưa ra sau cuộc họp vào chiều ngày 11/1 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về "tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương khoá XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ ...