Chính phủ thống nhất mức vốn nhà nước đầu tư bổ sung tại VCB là 20.695 tỷ đồng.
Chiều 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Theo đó, Chính phủ thống nhất mức vốn nhà nước đầu tư bổ sung tại VCB là 20.695 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư bổ sung từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của VCB.
Phần vốn điều lệ tăng thêm VCB dự kiến sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở làm việc (9.526 tỷ đồng), đầu tư cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số (17.155 tỷ đồng); mở rộng hoạt động kinh doanh (985 tỷ đồng).
Với dự kiến sử dụng vốn điều lệ tăng thêm như trên tỷ lệ đầu tư tài sản cố định của VCB tương đương 38% tổng vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của VCB, đảm bảo thấp hơn mức tối đa 50% theo quy định.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB là rất cấp thiết vì việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại ngân hàng này từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 phù hợp với chủ trương được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 11/NQ-CP.
Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; giúp cho VCB nâng cao năng lực tài chính để phấn đấu vươn ra khu vực nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á; khẳng định vai trò "sếu đầu đàn" trong ngành tài chính ngân hàng theo định hướng của Đảng, Chính phủ.
Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB nhằm đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định; giúp VCB có tiềm lực để thực thi các chính sách của Nhà nước và hỗ trợ nền kinh tế như chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ lãi suất và nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.
“Đây là điều kiện cần thiết để Vietcombank có đủ nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước giao, đảm bảo an toàn hệ thống, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
-
SHB muốn chào bán 5.000 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất lên tới 8,2%/năm
Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa thông qua việc triển khai phương án phát hành trái phiếu ra công chúng năm 2024.