Cùng với báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân, đây là tài liệu phục vụ hội nghị trực tuyến lấy ý đại biểu Quốc hội về dự án Luật đất đai (sửa đổi) được tổ chức vào sáng 24/4 tới đây.
Trong bối cảnh những bất cập của Luật Đất đai hiện hành về thu hồi đất được cho là nguyên nhân của rất nhiều vụ việc khiếu kiện kéo dài thời gian qua, việc sửa quy định này đã trở thành tâm điểm của nhiều cuộc góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 5 tới đây.
Tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án luật này cho thấy có tới trên 132.000 lượt ý kiến đề nghị áp dụng cơ chế Nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất thay cho cơ chế thu hồi đất để thực hiện các dự án, và 132.016 lượt ý kiến đề nghị không thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội.
Tại phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, cơ quan soạn thảo vẫn trình hai phương án. Bên cạnh phương án giữ nguyên như dự thảo, phương án hai là Nhà nước không thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Đối với trường hợp dự án phát triển kinh tế, xã hội quan trọng có tính chất phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì đưa vào các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án luật cho rằng, việc thu hồi đất để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội như: các dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, các dự án, công trình quan trọng do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; xây dựng các công trình để chỉnh trang đô thị, chỉnh trang khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua; các dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; các dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thì Nhà nước phải thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và một số vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cần quy định rõ trường hợp nào thì Nhà nước thu hồi đất, trường hợp nào thì các nhà đầu tư được thỏa thuận với người sử dụng đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội.
Tiếp thu ý kiến này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cơ quan soạn thảo đề nghị chỉnh lý vào dự thảo luật theo hướng Nhà nước chỉ thu hồi đất đối với các dự án phát triển kinh tế, xã hội quan trọng nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phải được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương; các dự án phát triển kinh tế, xã hội quan trọng của địa phương phải được hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.
Đối với các dự án phát triển kinh tế, xã hội không thuộc diện thu hồi đất mà đã có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được phê duyệt thì cho phép chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của người sử dụng đất để thực hiện dự án.
Theo đó, dự thảo luật được chỉnh lý ngày 22/4 đã thiết kế riêng điều 62 về Thu hồi đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội.
Theo quy định tại điều này, Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội trong các trường hợp sau đây:
a) Để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư;
b) Để xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, các dự án khác do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư;
c) Để thực hiện các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp, các dự án khác đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua;
d) Để thực hiện các dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.
Cũng theo dự thảo luật mới nhất, Nhà nước trưng dụng đất có thời hạn trong trường hợp có nhu cầu khẩn cấp của chiến tranh, thiên tai hoặc trong tình trạng khẩn cấp khác. Việc trưng dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng.
-
Mở rộng "đầu ra" cho nhà ở xã hội
Nhà ở xã hội cần một chiến lược dài hơi với sự ổn định nguồn cung nhà và nguồn vốn vay lãi suất thấp, nếu không sẽ khó tìm được người mua, thậm chí khó cạnh tranh được cả với nhà ở thương mại giá thấp.
-
Để người nghèo có nhà ở rẻ, đẹp
Thiết kế ra những căn hộ rẻ tiền, đảm bảo tiện ích nhưng vẫn mang tính thẩm mỹ cao là trách nhiệm của giới kiến trúc sư khi mà nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp (TNT) được dự báo sẽ chiếm lĩnh thị trường bất động sản trong một tương lai gần. “Người nghèo cũng có nhu cầu và có quyền được ở những căn hộ thiết kế đẹp”, đó là ý kiến của ông Nguyễn Tấn Vạn (ảnh), Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam trong cuộc trao đổi về vấn đề nhà ở cho người nghèo.
-
Bắt đầu thanh tra việc quản lý thị trường vàng
Ngày 22/4, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước.