Cafeland – Ngày 29/11/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai năm 2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014 nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, cũng như phục vụ hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai.

Các trường hợp thu hồi đất

Các trường hợp thu hồi đất gồm 4 nhóm như thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi nhằm phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; thu hồi do vi phạm pháp luật hoặc thu hồi do không hoặc chậm đưa đất đã được giao, cho thuê vào sử dụng và chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, đồng thời có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

Thẩm quyền thu hồi đất

Theo luật Đất đai: “UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho UBND cấp huyện thu hồi đối với trường hợp khu đất thu hồi có cả tổ chức và hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất”.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất trước khi có quyết định thu hồi chính thức chậm nhất 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp. Trong đó, nội dung thông báo thu hồi đất gồm kế hoạch thu hồi, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.

Trường hợp người sử dụng đất đồng ý thu hồi đất trước thời hạn thì UBND cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi mà không phải chờ đến hết thời hạn thông báo thu hồi đất.

Trình tự, thủ tục thu hồi đất

Tại điều 69 của luật Đất đai có quy định trình tự, thủ tục thu hồi gồm các bước như sau:

Xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm;

Lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;

Quyết định thu hồi, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Trong các bước công việc này, người sử dụng đất được tiếp cận thông tin bằng nhiều hình thức (gửi đến từng người có đất thu hồi, họp trực tiếp, niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư,...) về thông báo thu hồi đất, kế hoạch thu hồi đất; đồng thời được tham gia góp ý kiến cụ thể về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Tại điều 75 của luật này, trường hợp được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất được quy định cụ thể như sau:

Sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;

Đất cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư đang sử dụng mà không phải là đất do Nhà nước giao, cho thuê và có giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Về phương thức bồi thường, Nhà nước sẽ tiến hành bồi thường bằng tiền mặt theo giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm có quyết định thu hồi chính thức trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định thu hồi.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền bồi thường chậm chi trả thì ngoài tiền bồi thường đã được phê duyệt thì người có đất bị thu hồi còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế. Nếu người có đất bị thu hồi không nhận tiền bồi thường thì tiền này được gửi vào kho bạc nhà nước.

Người sử dụng đất khi bị thu hồi đất ngoài việc được bồi thường theo quy định còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ. Và công tác hỗ trợ này phải bảo đảm khách quan, công bằng, kịp thời, công khai và đúng quy định của pháp luật”.

Ngoài ra, các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi thu hồi mà không có đất nông nghiệp để bồi thường thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền còn được Nhà nước hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm.

Bên cạnh đó, người được hỗ trợ đang trong độ tuổi lao động có nhu cầu được đào tạo nghề thì sẽ được nhận vào các cơ sở đào tạo nghề, tư vấn hỗ trợ tìm kiếm việc làm, vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ mà nguồn thu nhập chính là hoạt động kinh doanh từ trên mảnh đất bị thu hồi thì được vay vốn tín dụng ưu đãi để tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tái định cư

Căn cứ theo luật Đất đai 2013 có quy định: ”UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất. Việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư”.

Theo đó, khu tái định cư phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, đồng thời phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền.

Nếu tại khu vực thu hồi có dự án tái định cư hoặc có điều kiện bố trí tái định cư thì người bị thu hồi có thể được bố trí tái định cư ngay tại khu vực đó. Ngoài ra, các đối tượng có đất thu hồi sớm bàn giao mặt bằng hoặc có công với cách mạng sẽ được ưu tiên vị trí thuận lợi.

UBND cấp tỉnh là đơn vị hành chính quyết định mức thu tiền sử dụng đất, mức giá bán nhà ở tại dự án thuộc khu tái định cư. Trong trường hợp tiền bồi thường, hỗ trợ không đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ. Được biết, mức giá mỗi suất tái định cư tối thiểu phù hợp với điều kiện từng vùng, miền và địa phương và do Chính phủ quy định.

  • Kinh nghiệm thu hồi đất ở Hàn Quốc

    Kinh nghiệm thu hồi đất ở Hàn Quốc

    CafeLand – Ở Hàn quốc, sở hữu đất đai thuộc tư nhân nhưng khi Nhà nước cần sử dụng đất vào mục đích chung thì vẫn có quyền thu hồi đất (có bồi thường). Một số căn cứ pháp lý hỗ trợ công tác thu hồi đất tại quốc gia này gồm luật thu hồi đất năm 1962, luật các trường hợp đặc biệt thu hồi đất phục vụ mục đích công và bồi thường thiệt hại năm 1975 và luật thu hồi đất cho các dự án công và bồi thường năm 2000.

  • Kinh nghiệm thu hồi đất của Trung Quốc

    Kinh nghiệm thu hồi đất của Trung Quốc

    CafeLand – Đất đai ở Trung Quốc thuộc chế độ công hữu nên việc thu hồi đất được thực hiện một cách chặt chẽ, nghiêm minh để tránh sự lạm quyền của chính quyền địa phương.

Mai Phương (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.