Một đoạn trụ đỡ của dự án tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Khi có mặt bằng chủ đầu tư các dự án phải yêu cầu đơn vị thi công đưa máy móc vào làm ngay, không thể chờ có mặt bằng sạch mới triển khai thi công.
Bộ Giao thông Vận tải đang làm chủ đầu tư một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Hà Nội, đó là dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu; dự án đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài và dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh-Hà Đông.
Tính đến thời điểm này, dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng phía quận Tây Hồ đang vướng đường điện 22kV vắt ngang đường chưa di chuyển và một phương án đền bù của hai hộ (diện tích 216m2) lấn chiếm đất chân đê, do chủ hộ đã mất nên chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 85 rất lúng túng trong việc đền bù và cưỡng chế.
Dự án đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài cũng đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng tại huyện Sóc Sơn vẫn còn vướng sáu hộ dân trong diện cắt xén song gặp khó khăn trong khâu phá dỡ nên chưa có mặt bằng để thi công.
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng nếu chờ thay đổi tên chủ hộ để đền bù giải phóng mặt bằng sẽ mất rất nhiều thời gian nên yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với quận Tây Hồ thực hiện giải phóng mặt bằng bình thường để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công trong tháng Năm.
Đối với dự án đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài, huyện Sóc Sơn chủ trì cùng chủ đầu tư cần thống nhất phương án phá dỡ và lên phương án đền bù thỏa đáng cho phần diện tích của sáu hộ dân trong diện cắt xén trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
Riêng dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh-Hà Đông đang chậm cả giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công, trừ quận Thanh Xuân đã bàn giao toàn bộ mặt bằng, còn lại các quận khác đều đang "vướng."
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, về cơ bản, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành nhưng để có thể kết thúc công việc này thì Bộ Giao thông Vận tải phải chi trả phần kinh phí còn thiếu của dự án khoảng 356 tỷ đồng để các quận trả tiền đền bù cho dân.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, Bộ đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung cho dự án đường sắt trên cao 400 tỷ đồng và đã được chấp thuận.
Dự kiến trong tuần tới, khoản tiền này sẽ được chuyển toàn bộ cho thành phố Hà Nội để chi trả cho dân. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng yêu cầu Ban quản lý dự án Đường sắt (Cục Đường sắt Việt Nam) tổ chức thi công ngay đối với các phần diện tích đã bàn giao và phối hợp tốt hơn nữa với các quận liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng.