31/08/2014 10:17 PM
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2014 tăng 0,22% so với tháng trước và tăng 4,31% so với cùng tháng năm trước. Như vậy, sau 8 tháng, CPI cả nước mới chỉ tăng 1,84%, thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Theo các chuyên gia kinh tế, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức sự tăng trưởng kinh tế trong nước.

Dự báo giá thực phẩm từ nay đến cuối năm không biến động nhiều.

Giá phá quy luật?

Mức tăng CPI tháng 8-2014 chỉ tương đương mức tăng của tháng trước đã gây bất ngờ đối với không ít người bởi trong tháng 8 của 3 năm gần đây, CPI luôn tăng ở mức cao, thậm chí trong nhiều năm CPI tháng 8 tăng khoảng 1% so với tháng 7. Có người còn cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng năm nay đã phá quy luật.

Theo Tổng cục Thống kê, các nhóm hàng hóa và dịch vụ tháng 8-2014 có chỉ số giá tăng so với tháng trước bao gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng nhiều nhất với 0,45% (trong đó lương thực tăng 0,45%; thực phẩm tăng 0,54%), chủ yếu do hoạt động thu mua gạo thực hiện hợp đồng mới xuất khẩu sang thị trường Phi-líp-pin và Ma-lai-xi-a làm giá lương thực tăng và nhu cầu tiêu dùng ngày rằm tháng Bảy làm giá thực phẩm tăng. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng nhẹ là may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,32%; nhóm giáo dục, nhóm thuốc và dịch vụ y tế cùng tăng 0,22%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,13%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,06%...

Chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng đầu năm 2014. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Trong tháng 8-2014 có các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước là nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,31% (giá gas giảm 1,41%; giá điện giảm 0,73%); nhóm giao thông giảm 0,06% do giá xăng, dầu giảm 0,16% từ 3 đợt điều chỉnh giảm giá (đợt điều chỉnh giảm giá mới nhất vào ngày 29-8 được tính sang chỉ số giá tiêu dùng tháng 9); nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%.

Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8-2014 chỉ tăng 1,84% so với tháng 12-2013 và tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm nay tăng 4,73% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 6,9% của cùng kỳ năm 2013.

Tại hai trung tâm kinh tế-xã hội lớn nhất nước là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, CPI 8 tháng đều thấp hơn mức tăng của cả nước. CPI tháng 8-2014 của TP Hồ Chí Minh chỉ tăng 0,05% so với tháng trước, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,27% so với tháng 12-2013. Đây là mức tăng thấp nhất trong 14 năm qua.

Theo Cục Thống kê Hà Nội, CPI tháng 8-2014 của Thủ đô cũng chỉ tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 3,32% so với cùng tháng năm trước và tăng 1,53% so với tháng 12-2013.

Chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng đầu năm từ năm 2004 đến nay. Nguồn: Tổng cục Thống kê

CPI cả năm 2014 chỉ tăng khoảng 5%

Từ diễn biến 8 tháng đầu năm và các yếu tố tác động trong những tháng còn lại trong năm, các chuyên gia đã dự đoán CPI cả năm 2014 chỉ tăng khoảng 5%, thấp hơn năm trước (và cũng thấp nhất tính từ năm 2004), thấp xa so với chỉ tiêu 7% theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Mức lạm phát đặc biệt thấp trong 8 tháng qua đã thể hiện những nỗ lực cố gắng trong điều hành của Chính phủ. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp đã làm cho kinh tế vĩ mô thực sự ổn định và từ đó mới góp phần ổn định lãi suất ngân hàng ở mức thấp để các doanh nghiệp tiếp cận được. Chừng nào lạm phát còn cao thì lãi suất ngân hàng rất khó có thể giảm xuống và doanh nghiệp sẽ rất khó khăn về vốn.

Diễn biến CPI 8 tháng qua và khả năng tăng thấp trong cả năm 2014, đã tạo ra thời cơ cho các chủ thể trên thị trường. Đây sẽ là thời cơ thuận lợi cho các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô yên tâm hơn với việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát - mục tiêu hàng đầu của cả năm - có dư địa để tập trung cho mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm trước, bằng việc chuyển đổi chính sách và các giải pháp quản lý điều hành. Đây cũng là thời cơ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường bằng các chính sách miễn, giảm, hoãn một số khoản thu ngân sách, hỗ trợ lãi suất đầu tư hoặc cho vay tạm trữ sản phẩm khi giá cả xuất khẩu bị sụt giảm; huy động trái phiếu Chính phủ với lãi suất thấp hơn để phục vụ cho đầu tư công…

CPI tăng chậm cũng là điều kiện thuận lợi để Nhà nước có thể chuyển đổi một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như điện, than, nước sạch, viện phí, học phí… theo giá thị trường.

Đối với người tiêu dùng, cán bộ công chức, người nghỉ hưu, các đối tượng chính sách và đại đa số người dân thì CPI tăng chậm là điều đáng mừng bởi nỗi lo tăng giá không còn ám ảnh, đời sống được ổn định.

Giảm giá xăng, dầu là nguyên nhân quan trọng dẫn đến CPI tăng chậm.

Giải pháp cấp bách: Tăng tổng cầu

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2014 ở mức thấp là điều đáng mừng, song, lạm phát thấp cũng đồng nghĩa với sức mua kém, thị trường trì trệ, doanh nghiệp còn khó khăn. Đó là điều đáng lo ngại.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1-8-2014, tăng 13,4% so với cùng thời điểm năm 2013. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung là: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 54,1%; sản xuất trang phục tăng 46,1%; sản xuất kim loại tăng 36,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 33,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 30,4%...

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 8-2014, số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước là 5.052 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 27,3 nghìn tỷ đồng, giảm 0,6% về số doanh nghiệp và giảm 13,2% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký của cả nước là 6.681 doanh nghiệp, tăng 35,5% so với tháng trước, bao gồm: 755 doanh nghiệp giải thể; 1.050 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn; 4.876 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ được tổ chức cuối tuần qua, vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường tiêu thụ hàng hóa đã được thảo luận sôi nổi. Giải pháp cấp bách được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra đã được Thủ tướng Chính phủ nhất trí là tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Thủ tướng đề nghị tăng dư nợ tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, giải quyết nợ xấu; tăng giải ngân đầu tư và chống hàng giả, hàng lậu để bảo vệ và thúc đẩy cho sản xuất trong nước.

Đỗ Phú Thọ (Quân đội nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.