VAMC có trụ sở chính đặt tại số 22 Hàng Vôi, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Đây là doanh nghiệp đặc thù do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ (500 tỷ đồng); chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát của NHNN.
Để xử lý nợ xấu, VAMC sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt, mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong thời hạn 5 năm. Đồng thời, áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu. Sức mạnh của VAMC còn được thể hiện ở việc công ty này có quyền yêu cầu TCTD bắt buộc phải bán nợ. Nếu các TCTD có nợ xấu từ 3% trở lên không bán nợ cho VAMC thì NHNN sẽ vào cuộc thanh tra một phần hoặc toàn diện.
Sau thanh tra, nếu phát hiện ra TCTD cố tình giấu nợ thì đầu tiên là buộc TCTD đó phải bán nợ, tiếp đến NHNN cũng có thể yêu cầu TCTD phải tăng vốn điều lệ; phải áp dụng một số tỷ lệ an toàn cao hơn quy định; có giới hạn tăng trưởng tín dụng; hạn chế hoạt động, chia cổ tức, cổ phần, chuyển nhượng tài sản và tái cơ cấu bắt buộc.
Theo thống đốc Nguyễn Văn Bình, ngay trong năm nay, VAMC có thể giúp nền kinh tế xử lý được từ 45.000 – 70.000 tỷ đồng nợ xấu và đưa tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống về mức an toàn là dưới 3% vào năm 2015.
Một trong những quy định khá quan trọng đó là VAMC được chọn nợ để mua, cụ thể VAMC sẽ chỉ mua các khoản nợ xấu có giá trị từ 3 tỷ đồng trở lên với tổ chức và 1 tỷ đồng trở lên với cá nhân, điều kiện là khách hàng vay phải còn tồn tại; khoản vay đó phải có khả năng thu hồi, phải có trên 65% giá trị tài sản đảm bảo là bất động sản và đó còn phải là khoản hợp pháp và không có tranh chấp. Tuy nhiên, theo một số ngân hàng thương mại, quy định này đang làm khó họ.
Tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho VAMC do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức mới đây, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho rằng đặc thù của Agribank khách hàng cá nhân chủ yếu là hộ sản xuất, mà hộ sản xuất vay từ 1 tỷ đồng trở lên là rất ít. Nếu quy định như trên thì Agribank sẽ không xử lý được khoản nợ xấu từ hộ sản xuất kinh doanh. Do đó, nên điều chỉnh tỷ lệ này xuống.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật TNHH Ngân hàng - Chứng khoán - Đầu tư cho rằng: “Theo quy định thì VAMC được từ chối mua nợ. Điều này dẫn tới tình trạng mua bán nợ bế tắc nếu không đáp ứng được 5 điều kiện về khoản nợ theo quy định. Đặc biệt, với quy định khoản nợ có 65% tài sản đảm bảo là bất động sản có thể thấy đây là khoản nợ tương đối tốt mới đem ra mua bán. Trong khi cái mà ngân hàng và doanh nghiệp cần thực sự là nợ xấu, xấu thật, thì vẫn tắc”...
Thực ra, khi thành lập VAMC, điều mà doanh nghiệp kỳ vọng là VAMC vào cuộc sẽ giúp họ có thể tiếp tục được vay vốn. Song khả năng này là không dễ vì thực ra, VAMC mua nợ xấu của các ngân hàng, nhưng không phải là hình thức mua đứt, bán đoạn, mà trách nhiệm xử lý nợ xấu vẫn thuộc về ngân hàng. Tuy bán nợ cho VAMC, nhưng mỗi năm, ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho trái phiếu VAMC.
Thế nên, dù cho ngân hàng đã bán tất cả các khoản nợ xấu của khách hàng doanh nghiệp, họ cũng sẽ ngại cho vay đối với những khách hàng này, vì sợ khoản cho vay mới lại nhiều khả năng trở thành nợ xấu.