Không ít gói thầu sau khi được chỉ định đã đội giá đến chóng cả mặt, có gói đội từ 675 tỷ đồng lên hơn 800 tỷ đồng.
BOT Cai Lậy là dự án chỉ định thầu điển hình gây nhiều bức xúc dư luận.
Nhiều chiêu lách luật
Việc chỉ định thầu đối với nhà đầu tư đang trở thành một phong trào. Hàng loạt công trình, dự án lớn gần đây đều được chỉ định thầu và xin được chỉ định thầu như công trình xây dựng cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; dự án nhà ga sân bay Long Thành... và rất nhiều dự án về hạ tầng giao thông khác.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 22, Luật Đấu thầu 2013, quy định việc thực hiện chỉ định thầu chỉ diễn ra trong một số trường hợp hết sức đặc biệt. Nhưng một số cá nhân, đơn vị khi triển khai các dự án thường vin vào một số lý do để tránh phải đấu thầu công khai. Kiểu lách phổ biến nhất là nêu ra lý do “dự án cấp bách cần bảo đảm tiến độ” hay “đẩy nhanh tiến độ thi công” để được chỉ định thầu. Hoặc chia nhỏ gói thầu, đưa giá gói thầu xuống dưới hạn mức chỉ định thầu...
Việc thực hiện phương thức chỉ định nhà thầu đã bộc lộ nhiều mặt hạn chế do nguồn vốn chủ sở hữu của nhiều nhà thầu, nhà đầu tư thường chỉ có khoảng 10%, còn lại khoảng 90% vốn đầu tư xây lắp là vốn vay ngân hàng. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình, dẫn đến phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, lợi ích xã hội... Đặc biệt là trong bối cảnh thiếu cơ chế phản biện, giám sát, thẩm định khách quan như hiện nay.
Cơ chế này đã tạo điều kiện cho nhà thầu, nhà đầu tư được hưởng lợi "kép" 2 lần như mong muốn. Cụ thể, khi nhận thầu thi công công trình dự toán công trình thường do nhà thầu cũng là đơn vị đề xuất. Các khu đất đối ứng ở các địa điểm đắc địa và đã được tăng cường hệ thống hạ tầng giao thông để đầu tư kinh doanh bất động sản thường do nhà đầu tư đề xuất để được thanh toán bù trừ.
Sửa luật để chặt chẽ
Giai đoạn 2011 - 2015, trước khi Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư được ban hành, việc chỉ định thầu thực hiện theo Nghị định 108/2009.
Tuy nhiên, để chặt chẽ hơn, cơ quan quản lý cần đề xuất sửa đổi Nghị định 15, Nghị định 30 theo hướng trong trường hợp sơ tuyển chỉ có 1 nhà đầu tư đáp ứng phải có sự phân tích rồi mới quyết định và phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Một số dự án không quá lớn, không quá phức tạp có thể đấu thầu luôn vì trong bước đấu thầu đã có đánh giá năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp. Trong một số trường hợp, để đáp ứng yêu cầu cấp bách, chỉ định thầu sẽ phát huy tác dụng, có thể rút ngắn thời gian và một số thủ tục để đẩy nhanh tiến độ dự án, nhưng lại là “con dao hai lưỡi” có thể “bẫy” chính người trong cuộc. Để tránh những sai phạm gây thiệt hại cho Nhà nước cần thiết phải có những quy định cụ thể, chi tiết đối với những dự án BT, BOT, đặc biệt đối với những dự án về cơ sở hạ tầng. Cụ thể: về quá trình lựa chọn nhà thầu, trình tự, các điều kiện nhà đầu tư, nhà thầu phải đáp ứng (năng lực, kinh nghiệm, vốn…) và xử lý các sai phạm của nhà đầu tư, nhà thầu.