Tính đến nay, NHNN đã tổ chức 30 phiên đấu thầu vàng, bán ra 761.600 lượng, tương đương 29,2 tấn
Ngân hàng đã đủ vàng?
Hôm qua, 13/6, trong phiên đầu thầu bán vàng miếng lần thứ 30, NHNN tiếp tục bán thêm được 25.900 trên tổng số 26.000 lượng chào bán. Lãnh đạo một DN tham gia đấu thầu cho biết, khách hàng tham gia đấu thầu ngày càng ít ở những phiên gần đây, như phiên hôm qua, chỉ có 10 khách hàng và phần lớn là đại diện các NHTM, trong đó, 8 đơn vị đã đấu thầu thành công.
“Lượng vàng chào bán hiện vẫn hút khách bởi các ngân hàng đang chạy nước rút tất toán dư nợ huy động kịp thời hạn 30/6. Còn các DN chỉ mua vàng với số lượng nhỏ giọt, vì nhu cầu trên thị trường vẫn đang yếu. Chỉ khi giá chào thầu hấp dẫn, DN mới mua”, vị lãnh đạo DN trên nói.
Đồng ý với nhận định này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng bổ sung: “Giá vàng thế giới đang giảm và còn có xu hướng giảm thêm nên có thể nhiều DN muốn mua nhưng giá chào thầu cao khiến họ chần chừ. Trong khi đó, mỗi tuần, NHNN vẫn đều đặn đấu thầu 3 lần, nên DN kinh doanh vàng không vội mua để chờ giá tốt hơn”.
Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo NHNN cho biết: “Về cơ bản, các ngân hàng đã cân bằng gần xong trạng thái vàng. Còn một số ngân hàng tại TP. HCM âm trạng thái, nhưng không đáng kể”. Được biết, Sacombank và Eximbank, mỗi ngân hàng còn cần khoảng 1 tấn vàng để đóng trạng thái và đang canh thời điểm để đóng sao cho hiệu quả trước ngày 30/6.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cho biết, trên địa bàn Thành phố còn trường hợp của SCB chưa thể đóng trạng thái vàng vào ngày 30/6 do năm 2011, SCB mất thanh khoản nên phải huy động vàng để bán lấy tiền đồng. Tuy nhiên, sẽ có cơ chế đặc thù riêng để xử lý lượng vàng thiếu hụt còn khá lớn ở ngân hàng này và trong đề án tái cơ cấu của SCB cũng đề cập đến việc xử lý số vàng huy động này.
“Việc chỉ còn 5 - 6 ngân hàng chưa hoàn thành tất toán trạng thái vào ngày 30 tới không tạo sức ép về mức cầu trên thị trường. Các NHTM đã gần cân bằng trạng thái, không cần phải gấp gáp mua vàng từ NHNN như trước, nên có thể có việc gây áp lực ngược lại lên giá sàn của NHNN”, TS. Hiếu nói.
Sau 30/6, thị trường vàng sẽ ra sao?
Sáng qua, giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) ở mức 40,48 triệu đồng/lượng mua vào; 40,7 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy, giá sàn đưa ra đấu giá không chênh lệch nhiều so với mức niêm yết mua trên thị trường ở cùng thời điểm. Đặc biệt, giá trúng thầu thấp nhất phiên đấu thầu lần thứ 30 chỉ cao hơn giá sàn 30.000 đồng/lượng. Trước đây, mức chênh này có lúc lên tới 260.000 đồng/lượng.
“Giá vàng có thể sẽ giảm sau ngày 30/6 nhưng chắc chắn không giảm ngay mà từ từ, bởi nhu cầu vàng trong nước vẫn rất cao, trong khi thị trường vàng trong nước và thế giới chưa có sự liên thông”, TS. Hiếu nói. “Tình hình mua, bán trên thị trường vàng sẽ ổn định, nghĩa là không có sốt vàng, không có cảnh ồ ạt xếp hàng mua bán vàng. Tuy nhiên, để ổn định về giá, nghĩa là giá vàng trong nước và thế giới sẽ liên thông ở mức tương đối thì phải chờ đến thời điểm cuối năm”.
TS. Nguyễn Thị Hiền, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Chính phủ cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giá vàng lớn là nguồn cung vàng đang không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đấu thầu vàng vừa qua chỉ giúp cho các TCTD cân bằng trạng thái chứ không phải là tăng cung ra thị trường.
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN cho rằng, khi một khuôn khổ pháp lý mới đã được thiết lập, mặc dù chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao nhưng thị trường vàng ổn định hơn, các tác động tiêu cực của nó được kiểm soát tốt hơn. Chính chênh lệch giá vàng cao ở những thời điểm nhất định và hoạt động can thiệp theo hình thức đấu giá của NHNN đã giữ cho giá vàng trong nước và thị trường vàng trong nước ổn định trước những biến động bất thường của giá vàng thế giới, làm mất đi động lực đầu cơ, làm giá, tạo sóng kiếm lời của giới đầu cơ và do vậy mà góp phần kiềm chế “vàng hóa” nền kinh tế.
“Trong điều kiện khuôn khổ pháp lý mới và hoạt động can thiệp thị trường của NHNN, về trung và dài hạn, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ được thu hẹp. Về ngắn hạn, khi giá vàng thế giới có biến động đột biến thì chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tăng là tất yếu. Giá vàng trong nước ổn định là cần thiết giúp cho thị trường trong nước không bị chao đảo theo biến động của thị trường vàng quốc tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Huy nói.