Vất vả tháo chạy
Khi thị trường nhà đất còn sốt nóng, anh Minh ký hợp đồng góp vốn tại một dự án nằm trên đường Nguyễn Trãi – Hà Đông với số tiền gần 300 triệu đồng.
Sau gần 3 năm ôm hợp đồng dự án vẫn không thể thành hình, anh Minh và nhiều khách hàng “tá hỏa” đi rút vốn. Tuy nhiên, hành trình rút vốn của anh Minh cũng như nhiều khách hàng khi thị trường BĐS liên tục tụt dốc không hề dễ dàng.
Tại dự án Hesco Văn Quán, nhiều khách hàng ký hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư từ năm 2009. Theo cam kết đến cuối năm 2013 sẽ được bàn giao căn hộ. Nhưng sau thời gian giải quyết vấn đề về pháp lý chủ đầu tư có gửi cho hội khách hàng về tiến độ cụ thể và lùi thời hạn bàn giao nhà từ cuối năm 2013, đến năm 2015.
Anh H. – khách hàng tỏ ra rất lo lắng, thời gian bàn giao nhà có thể bị lùi xuống nhưng trông vào thực tế thì liệu 2015 đã thực sự là mốc cuối cùng hay chưa khi đến cả gần 3 năm rồi dự án vẫn chỉ là bãi đất không.
Những dự án vốn trở thành giấc mơ một thời nay lại trở thành hố “chôn” tiền
Không ít khách hàng muốn làm thủ tục rút vốn khỏi dự án chỉ biết lắc đầu. Trong thời gian dài, để tìm lại quyền lợi cho mình khách hàng đi hỏi Megastar thì Megastar chỉ sang hỏi bên ký kết hợp đồng là Cty Hạ Long nhưng tìm đến Hạ Long thì Hạ Long lại bảo phải chờ ý kiến từ chủ đầu tư là Megastar. Cứ lòng vòng như thế khiến khách hàng rất mệt mỏi, hoang mang.
Ông Nguyễn Văn Thủy, một nhà đầu tư cho biết, ông còn đang mắc kẹt ở khu vực Hà Đông 3 lô đất. Năm 2009, ông và gia đình đầu tư mua 4 lô, thời gian trước đã bán được 1 lô thu lãi cả tỷ đồng. Thị trường xuống dốc quá nhanh khiến gia đình ông không thể thoát hàng. Đến nay cả 3 lô đất vẫn đang được đặt rao bán tại một số sàn giao dịch nhưng đến gần năm nay vẫn chưa có người hỏi mua dù mỗi lô ông chấp nhận cắt lỗ đến cả tỷ đồng.
Những cái tên dự án như Văn Phú, Văn Khê, Dương Nội, Emico, Park City… nổi gió một thời giờ đây cũng đang được rao bán nhan nhản với sự giảm giá, cắt lỗ sâu. Với nhiều khách hàng họ chỉ mong sau cơn bĩ cực của thị trường có thể vớt vát chút vốn mọn.
Hình ảnh những “nghĩa địa BĐS” ở Hà Nội càng khiến thực trạng lao dốc của thị trường BĐS hiện nay trở nên ám ảnh với nhà đầu tư. Những dự án vốn trở thành giấc mơ một thời nay lại trở thành hố “chôn” tiền kéo theo nhiều cái “chết đứng” của cả chủ đầu tư và khách hàng.
Tháo chạy càng nhiều, cắt lỗ càng sâu
Vốn là một môi giới nhà đất, từng kiếm được vài tỷ tại một số dự án nhưng đến nay anh T. cũng “sống dở chết dở” với vài suất căn hộ, lô đất còn mắc lại. Anh T. cho biết, trong khoảng 2 năm qua các tin tức rao bán căn hộ xuất hiện nhan nhản nhưng lượng giao dịch thực tế tại nhiều sàn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Dù là bán lỗ, bán tháo nhưng cũng rất khó tìm được giao dịch bởi thị trường vẫn tiếp tục bung hàng với nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Vì vậy, việc bị đẩy theo cuộc chơi của sản phẩm tồn cũng là điều dễ hiểu.
Đi kèm với sự phát triển nóng của thị trường BĐS là những cái chết được dự báo trước
Theo CBRE, người mua hiện nay có nhiều khả năng đàm phán hơn so với trước đây. Họ không chỉ quan tâm tới giá bán, mà còn chú trọng về tiến độ xây dựng, tiện ích và cơ sở hạ tầng. Vấn đề uy tín và cam kết của chủ đầu tư cũng tác động đáng kể tới quyết định mua nhà.
Đáng ghi nhận trên thị trường BĐS Hà Nội thời gian qua, làn sóng bán tháo, cắt lỗ đã có phần chững lại nhưng tùy vào dự án từng phân khúc. Theo các nhà đầu tư BĐS, tình trạng nhà đầu tư tháo chạy càng nhiều, cắt lỗ sẽ càng sâu nhưng sức mua lại tùy vào từng dự án cụ thể.
Đi kèm với sự phát triển nóng của thị trường BĐS là những cái chết được báo trước. Đi vào vùng rốn của thị trường BĐS, Hà Đông cũng đang mang trong mình những mầm mới của thị trường với bài toán tự cứu hay là chết?