11/02/2020 9:26 PM
Không khiếu nại quyết định cưỡng chế song phía doanh nghiệp cho rằng quận Hà Đông và phường Phú Lương đã triển khai phá dỡ công trình công viên nước Thanh Hà sai luật trong khi UBND quận Hà Đông khăng khăng đã làm đúng.

"Tháo dỡ" hay "phá dỡ"?

Liên quan tới vụ việc cưỡng chế tháo dỡ công viên nước Thanh Hà (quận Hà Đông) vào sát Tết Nguyên đán Canh Tý vừa qua, ông Trương Xuân Danh - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 cho biết, từ trước đó khá lâu, sau một vài sự cố, đơn vị thực tế đã dừng vận hành công viên nước Thanh Hà và đã có phương án tháo dỡ, di chuyển tài sản để xây dựng công viên nước tại địa điểm khác. Do vậy, khi quận Hà Đông yêu cầu dừng khai thác, vận hành công viên, công ty không phản đối hay khiếu nại gì.

Khi quận Hà Đông có yêu cầu tháo dỡ (27/11/2019) các hạng mục xây dựng không phép trong công viên nước, ông Danh cho biết, công ty cũng đã tự tháo dỡ một số hạng mục. Tuy nhiên, do khối lượng công việc nhiều và một số hạng mục lắp đặt tại công viên có kết cấu kỹ thuật phức tạp, cần thực hiện theo quy trình kỹ thuật do chuyên gia nước ngoài đảm trách nên công ty đã đề nghị quận Hà Đông gia hạn và tạo điều kiện để xử lý các thiết bị theo quy trình.

Đến ngày 24/12/2019, UBND quận Hà Đông đã có quyết định cưỡng chế tháo dỡ 19 hạng mục xây dựng trong công viên nước Thanh Hà. Ngày 30/12/2019, phường Phú Lương có thông báo về việc quyết định cưỡng chế buộc Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 phải tự tháo dỡ 19 hạng mục theo yêu cầu của quận Hà Đông xong trước 17h ngày 10/1/2020.

Ông Trương Xuân Danh cho biết, trước các yêu cầu trên, Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 tiếp tục thực hiện việc tháo dỡ các hạng mục trong công viên nước Thanh Hà. “Do khối lượng công việc nhiều và kỹ thuật phức tạp, trong khi lại cận Tết Nguyên đán, chúng tôi không thể mời chuyên gia của nhà thầu nước ngoài sang tháo dỡ kịp theo yêu cầu của quận Hà Đông. Do đó, chúng tôi đã có văn bản trình bày rõ nội dung này gửi quận Hà Đông để nắm bắt và chỉ đạo. Thực tế, chúng tôi cũng không có nhu cầu kéo dài thời gian xử lý vì công viên đã ngừng hoạt động từ lâu”, ông Danh giải thích.

Tuy nhiên, tới ngày 15/1 (21/12 Âm lịch), UBND phường Phú Lương đã tổ chức lực lượng cưỡng chế tới đập bỏ toàn bộ các hạng mục xây dựng trong khuôn viên Thanh Hà. Kết quả, toàn bộ công trình được đầu tư hơn 200 tỷ đồng không còn giá trị sử dụng. Theo chủ đầu tư, việc quận Hà Đông không tháo dỡ các hạng mục kỹ thuật lắp đặt trong công viên nước Thanh Hà mà lại phá dỡ, đập bỏ toàn bộ là không phù hợp với quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cụ thể, nếu công trình không phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép thì phải tháo dỡ; nếu đơn vị vi phạm không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế. “Quy định nêu rõ việc tháo dỡ (bảo toàn giá trị tài sản, công năng sử dụng) công trình vi phạm chứ không quy định việc phá bỏ (hủy hoại giá trị tài sản và công năng sử dụng). Tuy nhiên, quận Hà Đông đã không tháo dỡ các hạng mục kỹ thuật lắp đặt trong khuôn viên công viên nước Thanh Hà mà đã đập bỏ gây bức xúc lớn”, ông Danh nói. Cũng theo đại diện doanh nghiệp, sau khi phá dỡ, UBND phường Phú Lương không có biên bản bàn giao lại tài sản cho Công ty.

Công viên nước Thanh Hà bị cưỡng chế tháo dỡ

Chưa rõ trách nhiệm

Chiều nay (11-2), tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức, quận Hà Đông đã trả lời nhiều câu hỏi của báo chí về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại Công viên nước Thanh Hà.

"Đề nghị UBND quận cho biết, là phương án được phê duyệt là cưỡng chế "tháo dỡ" hay "phá dỡ"? Nếu là phá dỡ thì vì sao phải đập phá khối tài sản hàng trăm tỷ trong khi có thể tháo dỡ”? “Đây là công trình lớn đã được xây dựng trong thời gian rất lâu, vậy UBND quận có biết không và các cán bộ, đơn vị có liên quan công trình này đã bị xử lý trách nhiệm như thế nào?" - phóng viên nêu câu hỏi.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Nguyễn Quang Ngọc, Công viên nước Thanh Hà xây dựng không có giấy phép, chính vì vậy, các cơ quan chức năng quận Hà Đông đã lập hồ sơ, xử lý.

Quá trình các cơ quan chức năng quận Hà Đông, thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm trật tự xây dựng (xác định có 19 hạng mục vi phạm phải cưỡng chế) đối với Công viên nước Thanh Hà là đúng quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cũng khẳng định, trước khi tiến hành cưỡng chế, UBND cấp phường, UBND quận đã trực tiếp gặp gỡ doanh nghiệp, vận động, thuyết phục nhiều lần, yêu cầu chủ đầu tư tự giác tháo dỡ.

Đến ngày 26/11/2019, doanh nghiệp đã gửi công văn thông báo xin tự giác tháo dỡ bắt đầu từ ngày 6/12/2019. Tuy nhiên, khi hết thời hạn khắc phục vi phạm về trật tự xây dựng trong các thông báo đã được gửi cho chủ đầu tư cũng như cam kết tự giác tháo dỡ của doanh nghiệp thì hầu hết các hạng mục vẫn chưa được chủ đầu tư tháo dỡ. Cho nên, theo quy định, quận Hà Đông đã giao UBND phường Phú Lương tiến hành cưỡng chế, xử lý công trình vi phạm và toàn bộ 19 hạng mục đã được xác định.

Không bằng lòng trước câu trả lời của ông Ngọc, một số phóng viên đã tiếp tục hỏi về việc phương án cưỡng chế được phê duyệt chưa và đây "phá dỡ" hay "tháo dỡ"? Trả lời, ông Ngọc nêu, trong quy trình thực hiện xử lý đối với công trình này, quận đã thuê các đơn vị lập phương án phá dỡ, cơ quan chuyên môn thẩm định và UBND quận ra văn bản phê duyệt phương án đảm bảo quy định pháp luật. Dù vậy, thực tế, sau quá trình "phá dỡ" của quận và phường, các thiết bị trị giá hàng trăm tỷ đồng trong công viên nước coi như vứt bỏ, không thể sử dụng lại.

Về việc quận đã xem xét trách nhiệm thuộc về ai khi để xảy ra công trình xây dựng không phép đến mức phải cưỡng chế, ông Nguyễn Quang Ngọc cho hay, hiện nay, quận Hà Đông đang xem xét trách nhiệm của các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý và sai đến đâu, UBND quận sẽ xử lý đến đó.

Phạm Phương - Ngọc Khánh (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.