Thừa nhận chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang ở mức cao hơn nhiều so với những năm trước, song tại phiên họp Quốc hội ngày 30.5, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, việc thu hẹp khoảng chênh này không làm bình ổn thị trường và không loại bỏ được các tác động tiêu cực lên kinh tế vĩ mô.

Thừa nhận chênh lệch

Trong bản báo cáo chi tiết về công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng được NHNN công bố và gửi tới các đại biểu Quốc hội sáng 30.5, NHNN dành một dung lượng lớn giải thích về tình trạng chênh lệch giá vàng giữa hai thị trường đang được đông đảo cử tri và dư luận quan tâm.

So sánh với các giai đoạn 2007-2009 và 2009-2012, NHNN nhìn nhận, nét “đặc trưng” của giai đoạn hiện nay (2012-2013) là chênh lệch giá vàng ở mức cao và cao hơn nhiều so với 2 giai đoạn trước đây. Đây là giai đoạn khuôn khổ pháp lý mới được xây dựng, có hiệu lực và giai đoạn này, sàn vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản không được phép hoạt động, Nhà nước độc quyền NK và sản xuất vàng miếng. NHNN cũng không cấp phép cho bất kỳ đối tượng nào NK vàng, hoạt động nhập lậu cũng bị kiểm soát chặt chẽ và NHNN cũng mới bán can thiệp khoảng 20 tấn vàng.

Dù chênh lệch giá cao, NHNN đánh giá, thị trường vàng hiện nay ổn định, hoạt động đầu cơ bị đẩy lùi, không còn hiện tượng làm giá, tạo sóng để kiếm lời, không còn cảnh người dân đổ xô đi mua vàng, hiện tượng “vàng hóa” được kiềm chế và đẩy lùi. Bên cạnh đó, thị trường vàng không còn ảnh hưởng mạnh lên thị trường ngoại hối như trước đây, tỉ giá ổn định, lạm phát được kiềm chế, ngoài ra cũng mua lại được của dân gần 100 tấn vàng.

“Các phân tích trên cho thấy, việc thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không làm bình ổn thị trường vàng, không loại bỏ được các tác động tiêu cực lên kinh tế vĩ mô, không làm giảm tình trạng vàng hóa, mà trái lại, ở các chừng mực khác nhau lại có tác động ngược lại” - lãnh đạo NHNN nhận định.

Bao giờ hết cao?

Để giá vàng trong nước bằng hoặc sát với giá vàng thế giới, NHNN cho hay, thị trường trong nước phải liên thông với thị trường quốc tế. Và để làm được điều này, có thể phải mở lại hoạt động kinh doanh tài khoản ở nước ngoài thông qua các sàn vàng, đồng thời phải cho phép xuất-nhập vô điều kiện số dư vàng trên tài khoản khi có nhu cầu. Có nghĩa sẽ phải đưa thị trường trở lại giai đoạn trước năm 2012 với các khuôn khổ pháp lý trái ngược với thực tế hiện nay. Trước đây, mỗi khi giá vàng trong nước và thế giới chênh nhau từ 400.000 đồng trở lên, thị trường lập tức có hiện tượng nhập lậu vàng với quy mô lớn, làm ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối và tỉ giá. Vì mục tiêu bình ổn tỉ giá trước mắt, NHNN phải chính thức cho NK vàng để kéo chênh lệch giá xuống dưới mức này và làm cho mức chênh lệch này càng thấp càng tốt. Đây chỉ là mục tiêu tình thế trong bối cảnh chưa xây dựng được một khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng.

Đến nay, theo phân tích của NHNN, với khuôn khổ pháp lý mới, chênh lệch giá dù cao nhưng thị trường vàng ổn định hơn và các tác động tiêu cực của nó lại được kiểm soát tốt hơn. Tuy nhiên, NHNN khẳng định, về trung và dài hạn, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ được thu hẹp.

Báo cáo của NHNN cũng khẳng định, cơ quan này can thiệp thị trường vàng không vì mục tiêu lợi nhuận, mà chỉ nhằm điều tiết và quản lý nhà nước đối với thị trường. Trước đây, toàn bộ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đều thuộc về giới đầu cơ và kinh doanh vàng, nay khoảng chênh này thuộc về NSNN.

Sẽ có thêm 70.000 tỉ đồng nợ xấu được xử lý
Trong phiên thảo luận chiều 30.5 tại Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định sẽ sớm đưa Cty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) vào hoạt động và đơn vị này có thể xử lý được 40.000-70.000 tỉ đồng trong năm nay.

Người đứng đầu NHNN khẳng định, cả hệ thống chính trị thời gian qua đã hết sức tích cực và tung ra hàng loạt giải pháp nhằm xử lý được nợ xấu. Dẫn các biện pháp mà ngành NH đang triển khai, thống đốc cho hay, sau gần một năm thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ và sử dụng nguồn trích lập dự phòng rủi ro, hệ thống NH cơ cấu được 284.000 tỉ đồng nợ cho khách hàng, tương đương tới 10% tổng dư nợ.
Chỉ riêng trong năm 2012, có 70.000 tỉ đồng nợ xấu được xử lý từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro và trong 4 tháng đầu năm nay, có thêm 7.500 tỉ đồng nợ xấu được xử lý từ nguồn này. Đồng thời, cũng trích lập thêm khoảng 68.000 tỉ đồng để xử lý nợ xấu cuối năm.

Đối với việc thành lập VAMC, người đứng đầu NHNN khẳng định sẽ đưa Cty này vào hoạt động trong thời gian sớm nhất và đơn vị này- riêng trong năm nay- sẽ xử lý được khoảng 40.000-70.000 tỉ đồng nợ xấu của hệ thống.
Với một loạt các biện pháp như vậy, thống đốc cho rằng, các NH đã giúp kiềm chế nợ xấu một cách hiệu quả, đáng khích lệ. Bên cạnh đó, NHNN đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành khác như Xây dựng, Phát triển nông nghiệp-nông thôn để triển khai các gói tín dụng hỗ trợ thị trường. Cụ thể, với Bộ Xây dựng là gói tín dụng 30.000 tỉ đồng dành cho đối tượng khó khăn mua nhà ở xã hội. “Chúng tôi dự kiến trong năm 2013 sẽ giải ngân được từ 15.000-20.000 tỉ đồng từ gói tín dụng này. Bên cạnh đó là gói hỗ trợ Bộ NNPTNT 12.000 tỉ đồng cho tái canh cây càphê” - thống đốc nói.

Vấn đề tiếp cận vốn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, lãi suất hiện nay đã giảm về mức của những năm trước 2007, tuy nhiên tín dụng vẫn không tăng. Lý giải hiện tượng này, theo ông Bình, do tổng cầu nền kinh tế còn yếu, sức mua thị trường giảm. “Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ đã họp, chúng tôi hy vọng thời gian tới sẽ trình các biện pháp mang tính chất đột phá để giải quyết khó khăn của nền kinh tế” - thống đốc cho biết. Về phía ngành NH, thống đốc khẳng định sẽ tiếp tục căn cứ vào diễn biến lạm phát và tình hình kinh tế vĩ mô để điều hành lãi suất theo hướng giảm xuống, tiếp tục hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.
Văn Nguyễn - Thanh Sơn
Văn Nguyễn (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.