Dù tiến độ cổ phần hóa (CPH) các DNNN giai đoạn 2012 - 2015 đang bị chậm, song ở một số ít DNNN có sở hữu những khu đất vàng nội đô, hoặc thuê dài hạn vẫn thu hút được nhiều NĐT quan tâm.
Không khó hiểu khi những DN như Tràng Thi, Vinatex, Giày Thượng Đình, Xà phòng Hà Nội, Rượu Hà Nội… đang trở thành mục tiêu săn đuổi của các NĐT có nguồn lực sẵn sàng.
Thâu tóm đất vàng
Nếu như giai đoạn từ năm 2012 trở về trước, quá trình CPH các DNNN đã tạo cơ hội cho nhiều NĐT thâu tóm DN và quỹ đất đai rộng lớn, thì nay cơ hội chỉ dành cho những công ty có tiềm lực tài chính mạnh.
Hồi tháng 3/2015, phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty TNHH MTV Trung tâm hội trợ triển lãm Việt Nam (VEFAC) đã “cháy hàng” với giá trúng bình quân chỉ là 10.058 đồng/CP. Sức hấp dẫn của cổ phần DN này chính là vì VEFAC đang quản lý khu đất vàng số 148 Giảng Võ (Hà Nội) - nơi đặt Triển lãm Giảng Võ.
Theo phương án CPH, VEFAC sẽ di dời triển lãm Giảng Võ sang vị trí khác, triển khai đầu tư 3 dự án thành phần, gồm: Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia trên trục Nhật Tân - Nội Bài (Dự án Nhật Tân - Nội Bài), Dự án Giảng Võ và Dự án Mễ Trì để thay thế. Trong đó, dự án Nhật Tân - Nội Bài sẽ là Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia, thay thế cho Triển lãm Giảng Võ, với tổng mức đầu tư lên tới 4.000 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng các khu hỗ trợ).
Chia sẻ với Thời báo kinh doanh, ông Trần Văn Tân, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc VEFAC, cho biết Tập đoàn Vingroup muốn mua 80% cổ phần khi tăng vốn điều lệ và cam kết lo toàn bộ vốn thực hiện đầu tư 3 dự án thành phần của Trung tâm triển lãm quốc gia, bàn giao công trình vào cuối năm 2018, tức Vingroup phải bỏ ngay tối thiểu khoảng 4.000 tỷ đồng để làm xong dự án, mới được quyền khai thác khu đất 148 Giảng Võ.
“NĐT sẽ phải chi khoản tiền khổng lồ, gồm tiền góp vốn mua cổ phần, tiền đất, thuế phí, tiền đầu tư 3 dự án lớn… để được quyền khai thác khu đất 148 Giảng Võ. Nếu không sẽ bị thu hồi lại quyền triển khai dự án và không được hoàn lại kinh phí đã đầu tư”, ông Tân nói. Dĩ nhiên, với đầu bài khó này thì rất ít DN có thể đáp ứng được để đặt chân vào VEFAC.
Đất vàng, cổ phần giá nào?
Trên thực tế, việc CPH các DN sở hữu tài sản đất vàng không dễ, tiến độ khá chậm chạp vì quá trình kiểm kê, định giá tài sản, xử lý tranh chấp… mất nhiều thời gian, phức tạp. Chưa kể, phương án CPH thường đưa ra yêu cầu về lựa chọn NĐT chiến lược để chuyển nhượng đất, dự án hoặc hợp tác đầu tư dự án trên khu đất vàng.
Tháng 6/2015, sau thời gian CPH khá chật vật, công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Tràng Thi Hà Nội mới tiến hành bán đầu giá cổ phần với khối lượng chỉ 3,11 triệu cổ phần (giá khởi điểm 10.000 đồng/CP). Trong khi, có tới 41 NĐT đăng ký mua tới 42,7 triệu cổ phiếu. Sau đó, có 2 NĐT cá nhân đã trúng đấu giá ở mức giá tới 82.000 đồng/CP.
Trước đó, từ năm 2011, Ocean Group cũng âm thầm thâu tóm khu đất vàng Kem Tràng Tiền (số 35 Tràng Tiền, nằm cạnh Hồ Gươm) thông qua sở hữu cổ phần của công ty Kem Tràng Tiền. Tập đoàn này đã quyết định mua lại 634.700 cổ phần Kem Tràng Tiền với giá vỏn vẹn hơn… 6,3 tỷ đồng, tương ứng 9.926 đồng/CP. Thế nhưng, hồ sơ tài chính cho thấy Ocean Group đã chi ra 500 tỷ đồng để thực hiện thương vụ này.
Hiện, hàng loạt các khu đất có vị trị đẹp, diện tích lớn tại Hà Nội đã lần lượt được sang tên chủ mới sau khi DNNN tiến hành CPH, thoái vốn. NĐT “nhòm ngó” nhất là quỹ đất rộng lớn của Vinatex, Giày Thượng Đình, Xà phòng Hà Nội, Rượu Hà Nội…
Theo một NĐT lâu năm, CPH các DNNN là cơ hội để những đại gia BĐS gia tăng sở hữu quỹ đất, đất vàng đắc địa tại Thủ đô. Bởi, giá trị cổ phần DN đôi khi chưa phản ánh đầy đủ tài sản, giá trị lợi thế, giá trị đất vàng (đất thuê)… nên giá chào bán cổ phần khá rẻ. Và khi đã sở hữu cổ phần DN, NĐT sẽ dễ dàng “sang tay” kiếm lời.