Nhiều ngân hàng thương mại đang phải chạy đua kéo giảm dư nợ tín dụng phi sản xuất về mức 16% vào cuối năm nay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước
Chạy đua kéo giảm nợ

Nhiều ngân hàng đang chật vật trong việc giảm dư nợ tín dụng phi sản xuất về mức 16% vào cuối năm nay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Hồng Thúy

Sự kiện nóng trong tháng 10-2011 vừa qua là việc Công ty Cổ phần Địa ốc Dầu khí (PVL) công bố bán 85 căn hộ dự án PetroVietnam Landmark để trả nợ ngân hàng (NH). PVL đã vay NH Liên Việt 100 tỉ đồng đầu tư cho dự án này, hạn trả nợ vào ngày 23-11. Nếu không trả đúng hạn, lãi suất sẽ tăng lên 25%/năm, phạt quá hạn 150%, tương đương lãi suất 35%/năm và tính chung lãi gộp PVL phải trả sẽ lên tới khoảng 40%/năm.

Thúc khách hàng trả nợ

Không chỉ các chủ đầu tư dự án bất động sản (BĐS) là khách hàng của NH bị áp lực phải trả nợ mà nhiều NH cũng đang nóng lòng muốn thu hồi nợ, kéo giảm tín dụng phi sản xuất về 16%/năm vào ngày 31-12. Nhiều NH đang hối thúc khách hàng thanh toán đúng hạn hoặc trả trước hạn các khoản nợ phi sản xuất như BĐS, chứng khoán, vay tiêu dùng… Trong đó, vay BĐS được xem là các món nợ khó đòi nhất bởi thị trường này đang ế ẩm.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc NH Á Châu (ACB), cho biết NH đang áp dụng nhiều biện pháp để nhanh chóng kéo giảm dư nợ phi sản xuất về đúng 16% vào cuối năm. Theo đó, ACB đang thu hồi các khoản nợ không đúng mục tiêu; mở rộng cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh… Bà Trần Thanh Hoa, Tổng Giám đốc NH An Bình (ABBank), nói từ khi có chỉ thị của NH Nhà nước về siết tín dụng phi sản xuất, NH rất hạn chế cho vay lĩnh vực này. ABBank cũng không còn cho vay các dự án BĐS lớn. Việc thu hồi nợ đã và đang được NH thực hiện rốt ráo nên tỉ trọng tín dụng phi sản xuất giảm đáng kể và có thể đáp ứng đúng yêu cầu của NH Nhà nước vào cuối năm...

Tỏ ra kém lạc quan hơn, lãnh đạo một NH tại TPHCM cho rằng nhiều NH muốn thu hồi nợ BĐS về đúng chỉ tiêu lúc này là rất khó. Bởi đằng sau các dự án, các công ty BĐS là không ít các NH. Trong cơn sốt của thị trường BĐS mấy năm qua, không ít NH đã đầu tư vào khá nhiều dự án lớn. Đến khi thị trường BĐS ảm đạm, các NH bắt đầu gồng mình “gánh nợ” bởi khó lòng thu nợ từ “những đứa con” của mình. “Vì vậy, chỉ các NH không trực tiếp dính đến các dự án BĐS mới dễ dàng kéo giảm dư nợ phi sản xuất” - vị này nói.

Khó cũng phải làm!

Theo thống kê của NH Nhà nước Chi nhánh TPHCM, đến cuối tháng 7-2011, dư nợ cho vay BĐS của các NH thương mại trên địa bàn khoảng 89.530 tỉ đồng. “Từ đầu tháng 8 đến nay, việc báo cáo dư nợ cho vay BĐS không được các NH thực hiện thường xuyên nên chúng tôi chưa cập nhật được con số mới. Tuy nhiên, thị trường ảm đạm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hồi nợ của các NH” - một lãnh đạo NH Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho biết.

Trước đó, Chỉ thị 01/CT-NHNN của NH Nhà nước quy định rõ các NH thương mại phải kéo giảm tín dụng phi sản xuất về mức 22% vào ngày 30-6 và 16% vào ngày 31-12. Nếu không thực hiện được, các NH thương mại sẽ chịu “án phạt” là áp dụng tỉ lệ dự trữ bắt buộc tăng gấp đôi và bị hạn chế phạm vi kinh doanh trong năm 2012.

Mới đây, một lần nữa NH Nhà nước đã gửi văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài phải báo cáo đầy đủ dư nợ tín dụng liên quan đến BĐS. Văn bản nêu rõ các NH phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác và đầy đủ của những thông tin báo cáo lên NH Nhà nước. Một lãnh đạo Vụ Chính sách Tiền tệ đánh giá thời gian qua, các NH đã có nhiều cố gắng kéo giảm tỉ trọng tín dụng phi sản xuất. Tuy nhiên, NH Nhà nước vẫn phải yêu cầu báo cáo để nắm tình hình, sau khi có báo cáo cụ thể sẽ tiến hành rà soát lại để có các quyết định kịp thời.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng Chỉ thị 01/CT-NHNN là nhằm triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ. Vì vậy, các NH thương mại cần phải thực hiện nghiêm, phải đưa tín dụng phi sản xuất về mức 16% theo đúng lộ trình. Khó cũng phải làm, nếu không làm đúng thì phải phạt! “Điều này rất quan trọng, bởi nếu các NH cứ “ầu ơ ví dầu”, viện cớ gặp khó để không thực hiện… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chủ trương chung của Nhà nước. Việc tái cấu trúc hệ thống NH cũng cần được bắt đầu bằng hành động tuân thủ quy định của NH Nhà nước” - chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển nhận xét.

Có lợi cho người mua nhà

Nhiều chuyên gia cho rằng áp lực phải bán tháo BĐS vẫn còn khi các NH tiếp tục thu hồi nợ trong khi thị trường ế ẩm, không bán được hàng. Thêm vào đó, nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi các đợt xả hàng căn hộ tiếp theo nên chưa sẵn sàng mở hầu bao. Nếu các NH quyết tâm thu hồi nợ BĐS từ nay đến cuối năm, chủ đầu tư các dự án BĐS (khách hàng vay nợ của NH) sẽ buộc lòng phải giảm giá bán tiếp để trả nợ. Việc bán tháo được xem là tất yếu.


Theo Thái Phương (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.