Các chính phủ thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu vừa bị giáng một đòn choáng váng vào thứ Ba vừa qua khi đang nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công.
Châu Âu chạy đua ngăn khủng hoảng Đó là sự kiện một trong những ngân hàng lớn nhất của lục địa già, Ngân hàng Dexia SA, lộ diệ n tình trạng nguy hiểm do nắm giữ quá nhiều trái phiếu của Hy Lạp và Italia, hai trong số các quốc gia đang tiến đến mất khả năng trả nợ, đặc biệt là Hy Lạp. Dexia SA là ngân hàng liên doanh giữa Bỉ và Pháp, thuộc tốp 20 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất châu Âu. Nhằm giải quyết "khối u" này, các CEO ngân hàng và cá c quan chức chính phủ đã phải xây dựng kế hoạch tái cơ cấu mạnh mẽ ngân hàng này.


Cũng hôm thứ Ba vừa rồi, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đã hạ 3 bậc xếp hạng của Italia, xuống còn A2, đồng thời ám chỉ, hãng sẽ có thể hạ thấp hơn nữa trong thời gian không lâu. Chính phủ Italia cho biết, quyết định của Moody's đã được dự đoán trước và nhắc lại cam kết của nước này là sẽ cân bằng được ngân sách vào năm 2013.


Những động thái hôm thứ Ba cho thấy, cách mà sự móc nối giữa khủng hoảng nợ công và khủng hoảng ngân hàng đang nuôi dưỡng một câu chuyện khác như thế nào. Câu chuyện đó sẽ rất phức tạp và nghiêm trọng, bắt đầu từ những lo ngại đối với vấn đề của Hy Lạp. Chính phủ nước này, với những rắc rối về tài chính khởi phát từ năm ngoái, sẽ có thể không hoàn trả được nợ trong những ngày tới và điều này có thể khiến các nền kinh tế yếu khác của châu Âu, rốt cuộc, cũng sẽ vỡ nợ theo. Đến lượt điều này lại làm dấy lên những lo lắng về các ngân hàng trong khu vực, mà nhiều trong số đó đang vác trên vai gánh nặng trái phiếu công.


Chu trình nghiệt ngã ấy đang làm xói mòn niềm tin vào hệ thống tài chính châu Âu và các nền kinh tế của nó, xa hơn là đe dọa sự phục hồi kinh tế vốn đã yếu ớt của Mỹ cũng như khắp các phần còn lại của thế giới.


Nỗi sợ về một cuộc khủng hoảng lan rộng đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu bán tháo vào thứ Ba. Chứng khoán Mỹ đã có gần trọn một ngày đỏ sàn trước khi tăng điểm trở lại vào giờ giao dịch cuối cùng nhờ thông tin các nhà lãnh đạo châu Âu có thể sẽ xem xét các bước đi mạnh bạo hơn nhằm ổn định tài chính khu vực. Các thị trường chứng khoán khác sau đó cũng đã đồng loạt tăng điểm.


Các bộ trưởng tài chính châu Âu đã kết thúc cuộc họp hai ngày tại Luxembourg để thảo luận về vấn đề tài chính của Hy Lạp và khả năng các chủ nợ của nước này có thể tổn thất nhiều hơn những gì đã được dự tính hồi tháng 7. Họ cũng đang bàn cách tăng cường hơn nữa cho các quỹ cứu trợ nhằm giúp các chính phủ yếu khác và các ngân hàng trong trường hợp tổn thất cao hơn của các chủ nợ Hy Lạp châm ngòi cho một cuộc hoảng loạn tài chính khác.


Dexia, ngân hàng phụ thuộc vào các hoạt động bán buôn trên các thị trường tài chính nhiều hơn bất cứ ngân hàng lớn nào khác của châu Âu, đang tự đặt mình lên đống lửa khi các nhà đầu tư, những người đã bị ám ảnh về việc các ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu chính phủ rủi ro, đang rút khỏi hoạt động cho vay đối với các ngân hàng trong khu vực. Điều này khiến cổ phiếu của các ngân hàng châu Âu thuộc nhóm sụt giảm mạnh nhất hôm thứ Ba. Các ngân hàng hàng đầu giảm ít nhất 7 điểm phần trăm. Đặc biệt, cổ phiếu của Dexia, nối tiếp phiên giảm 10% của hôm trước (thứ Hai), đóng cửa giảm tới 22,5% xuống còn 1,01 EUR/CP.


Bỉ và Pháp, hai nước cho đến nay vẫn tránh được các vấn đề nợ công, cho biết, họ sẽ đảm bảo tăng quỹ cho Dexia khi ngân hàng này quyết tâm xử lý cuộc khủng hoảng của mình. Kết quả là chi phí đi vay của cả hai chính phủ tăng lên ngay trong ngày.


Những lo lắng về Dexia có thể lan rộng sang Mỹ, nơi mà ngân hàng này đã dành khoảng 10 - 15 tỷ USD mua các trái phiếu đô thị nhằm tài trợ cho các dự án công cộng như tại New York City và Everett, Wash. Những vấn đề gần đây của Dexia đã khiến lãi suất của một vài trong số các trái phiếu này tăng lên.


Một chuỗi các ngân hàng đã trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu hai năm gần đây. Sau những ngày tháng tăng trưởng huy hoàng dựa trên sự bùng nổ tín dụng, một vài ngân hàng lớn của Ai Len đã lâm vào tình trạng phá sản, buộc chính phủ nước này chấp nhận một gói cứu trợ vào năm ngoái. Tại Tây Ban Nha, chính phủ đã tiếp quản, cơ cấu lại nguồn vốn cũng như các lĩnh vực khác của hàng chục ngân hàng tiết kiệm, những ngân hàng đã vướng vào giữa các rủi ro tài chính và sự giảm giá của thị trường bất động sản nước này. Còn tại Hy Lạp, nơi mà những tai ương về tài khoá là đám lửa đầu tiên nhóm lên cuộc khủng hoảng khu vực đồng Euro, các ngân hàng địa phương hàng ngày đang phải sống nhờ vào sự hỗ trợ, đặc biệt là các khoản vay từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).


Liệu các câu chuyện trên đây có lặp lại ở các nước khác. Đó chính là điều khiến Dexia gây chú ý và hối thúc các nước như Bỉ và Pháp hành động. Sau một cuộc họp vào đêm ngày thứ Ba về Dexia, các bộ trưởng của Chính phủ Bỉ cho biết, họ sẽ cho "lưu trú" đối với danh mục trái phiếu và các tài sản phi hoạt động khác của ngân hàng này.


“Các chi nhánh bán lẻ tại Bỉ của Dexia sẽ được củng cố và những người gửi tiền sẽ được bảo vệ”, Dominique Dehaene, phát ngôn viên của Thủ tướng Yves Leterme nói. Chi tiết của kế hoạch này, bao gồm việc liệu các ngân hàng xấu có nhận được sự đảm bảo từ chính phủ đối với những tài sản và khoản nợ của mình hay không, "sẽ là một phần của cuộc thương thảo trong những ngày tới đây", ông Dehaene cho biết.

Theo Quang Huy (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh