25/02/2018 8:00 AM
Trước những bất cập trong việc thu phí qua trạm BOT hiện nay, VCCI đề xuất áp dụng phương pháp tính phí hoàn toàn mới, trong đó lợi ích phải chia đôi cho cả nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp kinh doanh vận tải

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có công văn gửi Vụ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) góp ý dự thảo sửa đổi Thông tư 35/2016/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh.

Tính phí theo mức "chấp nhận được"

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, phân tích hiện nay việc xác định phí tối đa của Thông tư 35 được áp dụng theo 2 phương pháp là toàn tuyến và theo chiều dài đường. Trong đó, phương pháp phí toàn tuyến (phí theo lượt) thường được áp dụng cho những dự án thu phí mở và hầm đường bộ, cách tính giá này hoàn toàn không quan tâm đến chiều dài tuyến đường, chất lượng đường, tốc độ và thời gian lưu thông trước và sau khi có dự án đường bộ.

Đối với phương pháp theo chiều dài đường (giá theo chặng) thường được áp dụng cho những dự án thu phí đóng nên mặc dù phí đã được xác định dựa vào chiều dài tuyến đường nhưng các yếu tố về chất lượng đường, tốc độ và thời gian lưu thông… cũng chưa được cân nhắc xem xét.

Cách định giá này dường như quá chung chung, có thể gây ra nhiều hệ quả xã hội. Đơn cử như phương pháp toàn tuyến có thể dẫn tới tình trạng đoạn đường dài 30 km cũng được thu phí bằng với đoạn 100 km. Theo đánh giá của VCCI, cả hai cách xác định giá để tính phí hiện nay đang có nhiều bất cập.

VCCI cho rằng cả hai phương pháp thu phí qua trạm BOT hiện nay đều tồn tại nhiều bất cập. Trong ảnh: Trạm thu phí BOT Quốc lộ 6 (Lương Sơn - Hòa Bình)

Đề xuất tính phí sử dụng đường bộ dựa trên "chi phí tiết kiệm được" như cách tính của VCCI sẽ khiến mức giá luôn chấp nhận được đối với chủ phương tiện và chủ phương tiện được hưởng lợi 50% giá trị còn lại. Về phía chủ đầu tư luôn được hưởng 50% giá trị mang lại cho khách hàng của mình (chủ phương tiện). Việc quyết định mức độ ưu đãi, thu hút đầu tư có thể được điều chỉnh dựa vào tỉ lệ mà nhà đầu tư được phép thu trên "chi phí tiết kiệm được".

Đối với những dự án thông thường, mức giá tối đa chủ đầu tư được phép thu là 50% chi phí tiết kiệm được. Còn đối với một số dự án khó thu hút đầu tư, nhà nước có thể nâng mức này lên 60% hoặc 70% giúp chủ đầu tư nhanh chóng thu hồi vốn.

"Phương pháp này phù hợp với mọi loại dự án, bao gồm: dự án xây dựng đường mới, nâng cấp cải tạo đường bộ; dự án cầu, hầm đường bộ, hạn chế tình trạng cải tạo đường cũ nhưng thu phí như đường mới, gây bức xúc trong dư luận như một số dự án vừa qua" - VCCI nhận định.

Khách quan lợi ích cho các bên

Theo đó, đơn vị trực tiếp thực hiện là Ban Pháp chế thuộc VCCI đã tham vấn ý kiến của một số chuyên gia và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, từ đó đưa ra phương pháp tính phí hoàn toàn mới nhằm bảo đảm thu phí hiệu quả hơn so với hiện nay và hài hòa lợi ích của các bên.

VCCI đề xuất Bộ GTVT thảo áp dụng phương pháp tính giá sử dụng đường bộ cho mỗi phương tiện giao thông dựa trên "chi phí vận tải tiết kiệm được" của phương tiện đó. VCCI dẫn ví dụ cụ thể: Giả sử chi phí trung bình đoạn đường từ A đến B cho một xe tải cỡ 4-10 tấn là 500.000 đồng.

Sau khi xây dựng dự án đường bộ thì chi phí này giảm xuống chỉ còn 300.000 đồng. Như vậy, một phương tiện đi từ A đến B sẽ được hưởng lợi 200.000 đồng. Nhà nước đặt ra quy định mức giá thu tối đa không được vượt quá 50% chi phí tiết kiệm được. Như vậy, chủ đầu tư chỉ được phép thu ở mức giá tối đa là 100.000 đồng.

Ông Đậu Anh Tuấn khẳng định phương pháp chi phí tiết kiệm được dự kiến sẽ mang lại một số lợi ích, là khả thi và có cơ sở khoa học. Chủ đầu tư dự án được phép thu giá dịch vụ bằng một tỉ lệ nhất định trên khoản chi phí tiết kiệm được này nhưng giá thu không bao giờ được phép vượt quá chi phí tiết kiệm được.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết ông ủng hộ phương pháp tính giá sử dụng đường bộ mà VCCI đề nghị trong văn bản góp ý gửi Bộ GTVT. "Cách tính của VCCI hài hòa lợi ích cho các bên" - ông Thanh nói. Theo ông Thanh, đây là cách tính khá khách quan, không quan tâm đến tổng mức đầu tư hay thời gian thu phí; lợi ích "chi phí vận tải tiết kiệm được" thì doanh nghiệp vận tải và nhà đầu tư BOT được lợi 50%. Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho rằng cách tính của VCCI không đơn giản nếu đi vào thực tiễn.

Theo đại diện Bộ GTVT, Bộ GTVT chưa nhận được văn bản đề xuất của VCCI mà mới chỉ nghe qua báo chí. "Dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến của người dân, chuyên gia, bộ ngành. Sau khi nhận được các ý kiến đóng góp khác, Bộ GTVT sẽ rà soát, đánh giá, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo thông tư cho phù hợp thực tiễn" - vị đại diện Bộ GTVT nói.

Yêu cầu điều tra gây rối tại trạm BOT Cẩm Phả

UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương điều tra các trường hợp có hành vi cố tình gây rối, cản trở giao thông, gây mất trật tự tại khu vực trạm BOT này, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bí thư, Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả và huyện Vân Đồn chỉ đạo các cơ quan chức năng nắm tình hình toàn diện, rà soát, phân loại các trường hợp người dân đi đến trạm tập trung đông người, xác định rõ mục đích, hành vi, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối tượng chống đối, cản trở giao thông, mất an ninh trật tự tại khu vực trạm.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, trong các ngày 21 và 22-2, một số người đã cố tình tập trung, lôi kéo người dân khu vực TP Cẩm Phả, huyện Vân Đồn gây rối, cản trở giao thông khi trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương đi vào hoạt động.

Tr.Đức

Chủ đề: Các dự án BT, BOT,
Văn Duẩn (NLĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.