Ý thức trách nhiệm của cán bộ thụ lý hồ sơ xin cấp “sổ đỏ”, vi phạm của các chủ đầu tư ở các dự án nhà ở chung cư… đã không chỉ làm tiến độ cấp “sổ đỏ” của Hà Nội luôn “ì ạch” mà còn khiến người dân thiệt thòi, mất thời gian, tốn kém tiền bạc và hao hụt lòng tin đối với chính quyền cấp cơ sở.
Chậm vì thói quen “hành” dân
Vụ việc một cán bộ của bộ phận một cửa của UBND quận Đống Đa vừa bị kỷ luật, điều chuyển công tác vì sách nhiễu người dân khi xin cấp GCN quyền sử dụng đất chỉ là một trường hợp trong hàng nghìn, hàng vạn trường hợp người dân gặp khó khăn mỗi khi xin cấp “sổ đỏ”. Ý thức, trách nhiệm phục vụ của cán bộ địa chính kém, thậm chí tạo thêm khó khăn, kéo dài thời gian bắt người dân phải chờ đợi lâu nay vẫn luôn xảy ra ở hầu hết các quận, huyện. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ cấp sổ đỏ của TP bị chậm trễ.
Ngay chính Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Nghĩa trong buổi giao ban trực tuyến với các quận, huyện do lãnh đạo UBND TP Hà Nội chủ trì đã tường thuật lại quá trình trong vai một người dân đi “xin” làm sổ đỏ và khẳng định: “không nên làm hồ sơ thủ tục hành chính” ở ngay tại “bộ phận một cửa”.
Ông Nghĩa đã đóng vai chủ một doanh nghiệp có nhu cầu cấp sổ đỏ cho dự án, đến bộ phận một cửa tại quận Hoàng Mai để nộp hồ sơ. Hồ sơ của ông bị trả lại ngay với lý do chưa đầy đủ theo quy trình mà bộ hồ sơ đó mặc dù theo ông Nghĩa, cả dự án đó đã được Sở Tài Nguyên – Môi trường thẩm định xong, đáng lẽ chỉ cần bổ sung thêm thủ tục hồ sơ thì vị cán bộ này đã bắt ông phải làm lại hồ sơ mới từ đầu.
Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Và ông Nghĩa cũng cho biết, hiện chỉ có duy nhất quận Hoàng Mai khi giải quyết cấp GCN nhà ở dự án yêu cầu các tổ chức phải chuyển qua bộ phận một cửa. Ông Nghĩa dẫn chứng thêm, có trường hợp người dân cầm “sổ đỏ” lên quận xin nộp thuế để xóa nợ trước bạ ghi trong “sổ đỏ”. “Sổ đỏ” là pháp lý cao nhất, đáng lẽ quận phải giải quyết ngay cho dân.
Tuy nhiên, cán bộ quận đã yêu cầu người dân quay về phường để xin các giấy tờ xác minh liên quan đến việc cấp đất, “sổ đỏ” cho người dân, có thể phường cũng không có. “Thủ tục qua bộ phận một cửa ở các quận, huyện rất cứng nhắc, bất cập, phải thẩm định nhiều lần, gây phiền hà cho dân. Vì vậy theo tôi, về các thủ tục này cần phải chỉnh sửa cho thuận tiện”, ông Nghĩa đề nghị.
Theo báo cáo về tiến độ cấp GCN quyền sử dụng đất của các quận, huyện gửi về UBND TP, nhiều quận huyện báo cáo kết quả thanh tra không thể hiện kết quả thanh tra đối với từng xã, thị trấn, nội dung sơ sài không làm rõ nội dung thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong cấp GCN theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường; điển hình là các huyện Thạch Thất, Hoài Đức, Ba Vì, Ứng Hòa, Đống Đa, Hoàn Kiếm.
Ngoài ra, UBND cấp xã, phường, thị trấn, quá trình thực hiện bộ thủ tục hành chính và các quy định của pháp luật còn chưa nghiêm túc; thụ lý hồ sơ để hoàn thiện thủ tục cấp GCN quá thời gian quy định, yêu cầu thêm thành phần hồ sơ ngoài thủ tục đã công bố; xác nhận không đúng về nguồn gốc, loại đất và thời điểm sử dụng đất trong quá trình xét cấp GCN; việc xác định nguồn gốc thửa đất không được hội đồng xét duyệt xem xét kỹ lưỡng về cơ sở pháp lý.
Chủ đầu tư vi phạm, người dân chỉ biết kêu “trời”
Dự kiến Hà Nội phải cấp GCN cho khoảng 590.000 căn hộ, nhà liền kề, nhà biệt thự tại các dự án. Nhưng hiện, tỷ lệ cấp GCN cho đối tượng này còn thấp, với khoảng 200.000 trường hợp vướng mắc cần tháo gỡ mà chủ yếu là do chủ đầu tư. Bà Nguyễn Nguyệt Nga, mua căn hộ tại Dự án Nhà chung cư, tái định cư và trung tâm thương mại, số 14, ngõ 376 đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình cho biết, khu nhà này đã hoàn thành xây dựng từ năm 2007 nhưng đến giờ, bà và nhiều người dân khác mua căn hộ tại đây vẫn chưa được cấp GCN sở hữu căn hộ.
Nguyên nhân là do Chủ đầu tư (Công ty TNHH Hòa Bình) đã vi phạm quy hoạch và giấy phép xây dựng. Cụ thể, chủ đầu tư đã xây vượt quá 3 tầng cho phép (tăng từ 21 tầng lên 24 tầng). Dự án Khu nhà ở Đại Mỗ (huyện Từ Liêm) do chủ đầu tư là Tổng Công ty Thủy tinh và gốm xây dựng (Viglacera) cũng trong tình trạng người dân bỏ tiền ra mua căn hộ nhưng chờ “dài cổ” cũng không thấy sổ đỏ đâu. Nguyên nhân là do chủ đầu tư phân chia diện tích lô không đúng với quy hoạch đã được phê duyệt và diện tích xây dựng chưa đúng theo giấy phép đã được cấp.
Ngay cả dự án nhà ở The Manor, một trong những khu chung cư cao cấp, người dân cũng bị chủ đầu tư “bắt chẹt” như trường hợp ông Nguyễn Thụ, chủ căn hộ số 424, khi làm thủ tục xin cấp GCN sở hữu căn hộ, đã bị Chủ đầu tư thu phí trên 10 triệu đồng trái pháp luật. Nhưng đến thời điểm này, khu nhà vẫn chưa có “sổ đỏ”.
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều các Dự án nhà do những sai phạm của chủ đầu tư mà người dân chưa được cấp GCN sử dụng căn hộ, nhà đất liền kề. Nhưng dù vì lý do gì, chủ đầu tư sai phạm hay sự sách nhiễu của các cán bộ địa chính, bộ phận một cửa thì người chịu thiệt vẫn là người dân. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định, chủ trương của TP là tất cả các thửa đất đủ điều kiện sẽ được cấp sổ đỏ. Vì vậy, các quận, huyện, thị xã phải rà soát lại tình trạng cấp GCN, đăng ký chỉ tiêu thực hiện; tỷ lệ phần trăm thửa đất ở được cấp GCN.
Theo chỉ tiêu chung của toàn quốc, Hà Nội phải đạt hơn 85% việc cấp GCN đất ở. Nhưng liệu đến bao giờ, việc cấp “sổ đỏ” ở Hà Nội mới được thông thoáng?