Tòa nhà 35 Điện Biên Phủ, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
“Thả gà ra đuổi”
Năm 1992, Cục Cảnh sát bảo vệ đã tự ý chuyển đổi cho Viện nghiên cứu Công nghệ và Phát triển Sena (viết tắt là Viện Sena) sử dụng nhà đất tại 35 Điện Biên Phủ làm trụ sở, không thông qua cơ quan quản lý nhà đất. Ngày 7/5/1997, Cty Kinh doanh nhà số I (nay là Cty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) đã ký hợp đồng thuê nhà với Viện Sena. Theo đó, cho Viện Sena thuê 164m2 thuộc số nhà 35 Điện Biên Phủ để làm trụ sở, thời hạn hợp đồng thuê từ 6/5/1997 đến 6/5/2000. Diện tích khuôn viên đất đang sử dụng là 538m2. Sau đó, Viện Sena đã đề nghị Sở Nhà đất Hà Nội và Cty Kinh doanh nhà số I xin phép xây dựng, cải tạo lại nhà 35 Điện Biên Phủ bằng nguồn vốn tự có.
Ngày 5/7/1997, Xí nghiệp kinh doanh nhà quận Ba Đình, Cty Kinh doanh nhà số I và Sở Nhà đất Hà Nội cùng với Viện Sena đã lập biên bản số 28 về việc xác định giá trị công trình nhà cũ dỡ bỏ và thỏa thuận quản lý sử dụng diện tích sau xây dựng cải tạo tại số nhà 35 Điện Biên Phủ. Biên bản nghi rõ: Nhà nước sở hữu toàn bộ đất, toàn bộ công trình sau khi cải tạo và công trình hạ tầng kỹ thuật của ngôi nhà và quản lý cho thuê lại diện tích theo hợp đồng cũ và diện tích tăng thêm sau khi xây dựng. Nhiều văn bản khác cũng khẳng định quyền sở hữu, quản lý của nhà nước đối với diện tích nhà sau khi cải tạo, xây dựng lại.
Sau khi cải tạo, xây dựng lại thành hai khối nhà 4 tầng và 7 tầng, nhiều năm liền Viện Sena đã không ký lại hợp đồng thuê nhà, không trả tiền thuê nhà cho Cty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Thậm chí, Viện Sena đã không sử dụng mà cho nhiều đơn vị khác thuê lại, hưởng lợi dưới các hình thức ký các thỏa thuận và hợp đồng dịch vụ có thu tiền, vi phạm các quy định về sử dụng tài sản nhà nước. Sở Xây dựng đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu cung cấp hồ sơ liên quan để giải quyết vụ việc nhưng Viện Sena đã không cung cấp. Sở Xây dựng tổ chức khảo sát hiện trạng công trình có sự tham gia của liên ngành nhưng Viện Sena đã ngăn cản nên liên ngành đã không thực hiện được khảo sát…
“Văn bản lạ” của Thanh tra Bộ Xây dựng
Vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà đất tại 35 Điện Biên Phủ đã diễn ra trong nhiều năm qua nhưng đến nay thành phố vẫn chưa thu hồi được nhà để chuyển cho Công an quận Ba Đình sử dụng như kế hoạch. Việc chậm xử lý trước hết có trách nhiệm từ sự buông lỏng quản lý của Cty Quản lý và Phát triển nhà trong việc chậm phát hiện vi phạm, báo cáo Sở Xây dựng và UBND thành phố. Mặt khác, Viện Sena đã liên tục có đơn thư khiếu nại các quyết định thu hồi của thành phố Hà Nội, mặc dù trong phương án thu hồi nhà 35 Điện Biên Phủ, UBND thành phố đã tỏ ra khá “nhân nhượng”.
Theo thông tin chúng tôi có được, bên cạnh việc tính toán hoàn trả lại phần kinh phí mà Viện Sena đã cải tạo, xây dựng lại nhà 35 Điện Biên Phủ, UBND thành phố còn bố trí cho Viện Sena thuê diện tích phù hợp tại Cung Trí thức. Tổng số tiền thành phố đền bù, hỗ trợ Viện Sena lên tới 11,89 tỷ đồng, sau khi khấu trừ đi phần kinh phí, Viện Sena còn nợ thành phố (tiền thuê nhà, thuế sử dụng đất), thì Viện này còn nhận được là hơn 6,9 tỷ đồng. Sự việc tưởng như đã đi đến hồi kết, thì ngày 3/9/2014, Thanh tra Bộ Xây dựng lại có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội cho rằng: Căn nhà 35 Điện Biên Phủ sau khi cải tạo đã không hoàn toàn là tài sản thuộc sở hữu nhà nước; thành phố đã thiếu nhắc nhở cơ quan này khi vi phạm xảy ra trước khi thu hồi; Viện Sena là tổ chức chính trị xã hội và thu hồi nhà đất tại 35 Điện Biên Phủ là chưa hợp tình, hợp lý…
Trả lời nội dung này, UBND thành phố Hà Nội khẳng định, việc thu hồi nhà đất tại 35 Điện Biên Phủ là hết sức cần thiết. Thứ nhất là do Viện này đã có nhiều vi phạm kéo dài trong quản lý, sử dụng nhà đất. Thứ hai là cơ quan quản lý nhà đất của thành phố đã có văn bản thỏa thuận trước khi xây dựng lại, khẳng định diện tích nhà đất sau cải tạo thuộc sở hữu nhà nước. Thứ ba, sau khi được nhắc nhở, yêu cầu trả tiền thuê nhà, kê khai nhà đất… nhưng Viện này đã không thực hiện. Việc thu hồi nhà đất giao cho công an sử dụng là phù hợp với yêu cầu về an ninh trong khu vực trung tâm chính trị Ba Đình.