Ngày 10/11, giá cổ phiếu HBC chỉ còn 19.600 đồng và là lần đầu tiên kể từ đầu năm xuống dưới 20.000 đồng. Vài ngày sau, đích thân Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình - Lê Viết Hải viết thư gửi cán bộ công nhân viên, cổ đông với hy vọng ngăn đà giảm giá.
Trong thư, ông Hải khẳng định lý do chính khiến HBC
giảm sàn liên tục từ ngày 7 đến 11/11 do chính sách thắt chặt đầu tư vào
bất động sản bằng cách nâng lãi suất và hạn chế cho vay. Điều này ảnh
hưởng tâm lý nhà đầu tư, khiến giá cổ phiếu bất động sản, xây dựng giảm.
Ngoài ra, một số nhà đầu tư không đủ tiền mặt bù đắp thiệt hại khi giá
HBC giảm đã bị các công ty chứng khoán bán giải chấp.
Riêng hoạt động kinh doanh công ty bình thường, thậm chí đáng khích lệ khi doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận, trong khi phải trang trải chi phí lãi vay hơn 99 tỷ đồng trong 9 tháng. Do vậy, ông kêu gọi cán bộ công nhân viên, những người giữ cổ phiếu HBC không nao núng bán cổ phiếu thời điểm này. "Nếu có điều kiện, chúng ta cùng nhau đăng ký mua thỏa thuận, qua sàn để đỡ giá", ông mách.
|
Những thông điệp từ phía lãnh đạo doanh nghiệp chưa đủ
vực dậy giá cổ phiếu bởi thị trường chịu tác động mạnh của rủi ro mang
tính hệ thống. Ảnh: B.H. |
Địa ốc Hoàng Quân vướng nhiều khó khăn khi cổ phiếu liên tục giảm sâu, cổ đông VIP và thành viên HĐQT ồ ạt đăng ký bán bất chấp giá HQC thấp hơn mệnh giá, tin đồn phá sản... Ngay lập tức, lãnh đạo đơn vị lên tiếng bác tin phá sản và trấn an cổ đông. Công ty Hoàng Quân cũng khẳng định các các sàn giao dịch, chi nhánh vẫn hoạt động bình thường tại tất cả các lĩnh vực như môi giới, thiết kế, xây dựng, pháp lý, thẩm định giá...
Cách đây vài tháng, lãn đạo Công ty cổ phần Sông Ba (mã SBA) cũng gửi thư khuyên cổ đông giữ cổ phiếu, chỉ bán khi lớn hơn mệnh giá, bởi tiềm năng của công ty vẫn lớn.
Tuy nhiên, những tâm thư này chưa tác động tích cực tới giá cổ phiếu. HBC sáng 21/11 đã bật trên 20.000 đồng. Tuy đây là mức giá tốt nhất của HBC trong 8 phiên trở lại đây, nhưng chưa bằng một nửa mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay (47.500 đồng). Trong khi đó, HQC đi xuống 8 phiên liền (4-15/11) và sau khi bác bỏ mọi tin đồn trên thị trường, HQC vẫn không thoát khỏi xu hướng giảm. 15 phiên giao dịch từ đầu tháng tới nay, cổ phiếu này mất điểm tới 13 phiên. Bức thư nhắn nhủ của chính Chủ tịch Sông Ba (phát đi ngày 9/5) cũng chưa đủ sức vực dậy cổ phiếu này, SBA giảm từ 5.700 đồng (ngày 9/5) xuống còn 4.100 đồng (21/11).
Theo giới chuyên gia, diễn biến này không có gì khó hiểu, bởi đây chưa phải là giải pháp căn cơ nhất để xoay chuyển tình hình, làm giá cổ phiếu tốt lên.
Một chuyên gia chứng khoán độc lập phân tích, doanh
nghiệp không cần than khổ bởi điều này ai cũng nhìn thấy. Điều quan
trọng là làm sao để sống sót sau bão tố, có phương án vượt khủng hoảng.
Lãnh đạo cũng không nên nói suông giá cổ phiếu quá thấp, kêu gọi mua vào
hay đừng bán ra mà hãy làm cho nhà đầu tư tin tưởng doanh nghiệp thực
sự vượt khó và có nhiều tiềm năng trong tương lai. "Phải hành động và
hành động quyết liệt hơn, điều này có ý nghĩa hơn nói nhiều. Chưa bàn
tới kết quả như thế nào, nhưng ít ra cổ đông thấy sự quyết tâm, nỗ lực
của ban lãnh đạo", ông lý giải.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa quản trị kinh
doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM cũng cho rằng, những bức thư này chỉ tác
động về mặt tâm lý, chứ không thể tạo ra xoay chuyển thật sự bởi rủi ro
mang tính hệ thống tác động quá lớn tới doanh nghiệp.
Song, cũng không thể phủ nhận, nhà đầu tư qua những bức thư này thấu hiểu phần nào thực trạng doanh nghiệp và là cách tiếp cận nguồn tin chính thống từ chính công ty. "Dù công bố thông tin tốt hay không tốt, nhưng nếu nhìn thẳng vào vấn đề để mổ xẻ, giúp cổ đông có cái nhìn chính xác về công ty thì vẫn nên làm. Càng đi trúng trọng tâm vấn đề, nhà đầu tư dễ thông cảm hơn, kể cả cái hạn chế, thiếu sót, thay vì cứ im lặng bất chấp tin đồn, nghi vấn bao quanh", ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) chia sẻ.