CafeLand - Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Trung Tín, người đang đảm đương vai trò CEO Tập đoàn Trung Thủy, cũng là cái tên được nhắc đến nhiều khi nói đến mô hình Coworking Space (không gian làm việc chung) Dreamplex vốn vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam.

Xin ông cho biết, từ đâu ông có ý tưởng xây dựng Dreamplex?

Ý tưởng thành lập Dreamplex đến với tôi khá tình cờ. Trong quá trình tìm kiếm một mô hình để khai thác không gian của tòa nhà, tôi đã tìm kiếm nhiều ý tưởng. Qua đó tôi tình cờ đến được với ý tưởng mô hình không gian làm việc chia sẻ ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ.

Đây là mô hình không gian làm việc chung chủ yếu dành cho những người trẻ khởi nghiệp được thiết kế mở và dường như phá vỡ các mô hình truyền thống hiện nay với nhiều tiện ích như phòng họp, bếp, phòng nghỉ ngơi thư giãn được chia sẻ dùng chung. Tôi nhận thấy mô hình này chưa phát triển tại Việt Nam, sau khi nghiên cứu và trao đổi với bạn bè, một số người làm trong giới khởi nghiệp được họ ủng hộ. Từ đó tôi mạnh dạn đầu tư cách đây hơn 1 năm.

Hiện có bao nhiêu thành viên đang làm việc tại Dreamplex, đối tượng thuê chủ yếu là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nào thưa ông?

Hiện tại Dreamplex đã có 2 chi nhánh, trong đó chi nhánh 1 có khoảng 400 thành viên, chi nhánh 2 là 300 thành viên.

Thành viên làm việc tại đây hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó khoảng 60% là công nghệ thông tin. Phần lớn là do lĩnh vực này khá linh động về nhu cầu không gian, họ có thể làm việc ở nhiều nơi. Chính vì thế nhiều công ty nước ngoài có ý định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam thì chọn Dreamplex làm văn phòng.

Ngoài ra, ở đây còn có các công khác về dịch vụ, lập trình, game,… hay các công ty đặc thù như nghiên cứu phân tích về dữ liệu.

Trong quá trình làm dự án, ông gặp phải những khó khăn nào?

Trong quá trình kinh doanh thường gặp nhiều khó khăn và Dreamplex cũng không phải ngoại lệ. Khó khăn đầu tiên là về mặt ý tưởng. Khi xây dựng mô hình này chúng tôi định hướng không gian mở để mọi người ngồi chung. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng chúng tôi đã trao đổi rất nhiều với các thành viên tương lai. Qua trao đổi với họ chúng tôi đã thay đổi mặt bằng thiết kế phù hợp hơn. Bên cạnh các không gian mở thì Dreamplex còn có phòng hội họp, phòng Studio dành cho những khách thuê dài hạn.

Một khó khăn khác là vì đây là mô hình mới nên từ lúc mới khai trương phải mất từ 4 đến 6 tháng mới có thể lấp đầy được chi nhánh 1. Tuy nhiên việc này đã được cải thiện rất nhiều ở chi nhánh 2.

Không gian làm việc chung tại Dreamplex

Tập đoàn Trung Thủy có quỹ đất khá lớn tại thành phố, có nhiều dự án ở trung tâm. Vậy Dreamplex ước chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong tổng thu của tập đoàn? Hay dự án chỉ là một thử thách để ông làm quen với ngành mà thôi?

Dreamplex chỉ đóng góp rất khiêm tốn, chỉ khoảng dưới 1%. Đây chỉ là một mô hình bất động sản cho thuê nên không chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn vì chúng tôi đầu tư nhiều lĩnh vực, trong đó có các bất động sản để bán (căn hộ) mới là nguồn thu chính.

Nhưng khi kinh doanh, không nhất thiết phải quy ra là thu được bao nhiêu tiền mà nó còn liên quan đến thương hiệu và cơ hội đầu tư trong tương lai. Nhờ Dreamplex tôi đã được tiếp xúc với nhiều công ty khởi nghiệp, công nghệ có những ý tưởng hay và nhờ đó tôi đã dùng chính tiền của mình để đầu tư cho họ. Đó là lợi nhuận vô hình mà Dreamplex mang lại. Tôi nghĩ Dreamplex là mô hình mà các tòa nhà văn phòng hay các trung tâm thương mại nên có để kích thích sự phát triển, đem lại nguồn khách đến cho không gian đó nhiều hơn.

Hiện nay Dreamplex đã có hai chi nhánh, sắp tới ông có kế hoạch nhân rộng mô hình này ở TP.HCM và các thành phố khác?

Có. Hiện nay Dreamplex 1 và 2 đang vận hành rất rốt. Đối với phòng dạng studio thuê dài hạn đã lấp đầy 100%, đối với không gian làm việc mở, hiện tại đã lấp đầy khoảng 60-80% tùy theo địa điểm. Do đó, chắc chắn sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng chi nhánh.

Trong khoảng 3 năm tới, chúng tôi có kế hoạch mở rộng thêm 3 chi nhánh nữa, tất cả đều nằm tại TP.HCM, như vậy có thể tận dụng được tối đa bộ máy quản lý. Dreamplex 3, 4 và 5 chủ yếu nằm ở các quận trung tâm, chủ yếu là quận 1 và quận 4. Tuy nhiên, mô hình này cần có vị trí thuận lợi, phải có diện tích đủ lớn để bố trí các không gian chung như phòng nghỉ ngơi, phòng họp, hội trường,… nên chọn địa điểm phù hợp là một yếu tố quan trọng.

Ngoài Dreamplex, hiện nay một số chủ đầu tư đã phát triển các không gian tương tự, vậy ở đây có gì khác biệt?

Tôi được biết có 3 đơn vị vận hành nổi bật mô hình này, đối với họ Dreamplex có sự khác biệt về thiết bị, cơ sở vật chất và thiết kế. Theo quan điểm của chúng tôi, việc thiết kế không gian rất quan trọng vì nó tạo cảm hứng cho những công ty khởi nghiệp đang đặt văn phòng ở đây nên chúng tôi rất chắm chú cho điều đó. Bên cạnh đó chúng tôi cũng liên tục đầu tư và đổi mới cho khách thuê. Bằng chứng là ở Dreamplex 2 chúng tôi đã đầu tư một hội trường có sức chứa 200 khách, đối tác của chúng tôi tổ chức nhiều sự kiện ở đây.

Có lẽ còn quá sớm để nói Dreamplex thành công hay không, nhưng nhìn lại chặng đường đã qua, ông có hài lòng với sự phát triển của mô hình này?

Tôi nghĩ với những gì chúng tôi đã đạt được trong thời gian vừa qua cũng có thể xem là một bước khởi đầu tốt đẹp, đó cũng là động lực giúp cho chúng tôi liên tục phấn đấu để phát triển hơn nữa.

Hiện Tập đoàn đang có khoảng 300.000m2 sàn bất động sản để kinh doanh trong tương lai, nhưng Dreamplex chỉ chiếm 5%. Định hướng tương lai ở bất cứ tòa nhà chúng tôi xây dựng văn phòng hay trung tâm thương mại sẽ đều có một không gian Dreamplex để đi kèm và gần như là một tiện ích không chỉ về mặt không gian dành cho những người làm việc ở đó mà nó cũng xác định luôn phân khúc khách hàng sẽ đến với không gian này. Việc phát triển Dreamplex sẽ hỗ trợ cho việc phát triển bất động sản trong tập đoàn.

Xin cảm ơn ông!

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
  • Nhân vật tiêu điểm