Cầu Nhật Tân có lẽ mang trọng trách lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế của Thủ đô, nó còn giúp hình thành nên những khu nhà trùng điệp bên xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh, Hà Nội). Nhưng có lẽ nó cũng là nguồn cơn của nhiều câu chuyện cười ra nước mắt với những người dân sống xung quanh cây cầu…

Diện mạo mới của xã Vĩnh Ngọc

Kẻ khóc, người cười

Tìm về xã Vĩnh Ngọc khi trời chiều đang dần buông, chúng tôi cảm nhận được một luồng sinh khí mới đang dần hiện diện nơi đây. Điều dễ nhận thấy nhất là những dãy nhà trùng điệp chạy dọc bên cầu Nhật Tân. Nơi đây, đất Ngọc Chi (thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc) đã từng là điểm nóng bởi khi mới giải phóng mặt bằng, giá đất tăng chóng mặt. Và trong vòng xoáy này, nhiều gia đình tan nát, anh em ruột thịt không nhìn mặt nhau cũng chỉ vì tranh chấp vài chục mét vuông đất.
Nhưng cũng có nhiều trường hợp đổi đời nhờ đất. Như gia đình chị H, thời điểm giá đất cao nhất, họ bán khoảng 100m2, tiền thu về lại đầu tư làm dịch vụ cho thuê đám cưới, trang điểm cô dâu, tạo công ăn việc làm cho con cái, cháu chắt… Tiếc rằng những gia đình như thế không nhiều. “Nhưng điều quan trọng nhất là bây giờ, đời sống người dân Ngọc Chi đã yên bình bên cây cầu đang chờ ngày thông xe” - anh Bùi Quang Hà, Trưởng thôn Ngọc Chi không giấu được sự vui mừng chia sẻ.
Anh Hà cho biết thêm, khi xây cầu Nhật Tân, đời sống người dân cũng có nhiều thay đổi, mọi người đều rất hồ hởi đón nhận cuộc sống mới. Dù nhân dân Ngọc Chi thuần nông, nhiều hộ cũng gặp nhiều khó khăn và loay hoay tìm kiếm, giải quyết việc làm cho con em sau khi bị mất ruộng nhưng đây không phải là vấn đề quá lớn với bà con. Người dân nhanh chóng chuyển đổi nghề để phù hợp với nhịp sống mới. Phần lớn bà con chuyển sang bán hàng, buôn vài cây rau, con cá gọi là “cây nhà lá vườn” phục vụ lẫn nhau.
Được biết, trước đây chợ thôn Ngọc Chi rất bé, hoạt động lẻ tẻ gần như tự phát, hôm họp, hôm không. Nhưng từ ngày dành đất xây cầu, xã, thôn cũng đã có chủ trương đầu tư để xây chợ thôn lấy chỗ buôn bán cho bà con. Bây giờ chợ thôn Ngọc Chi đã được cải tạo, nâng cấp, xây thêm nhiều ki ốt cho thuê, có diện tích và sinh hoạt tương đương với một chợ huyện. Ngay cả hội trường thôn Ngọc Chi cũng được xây dựng khá khang trang để bà con hội họp.
Bà Nguyễn Thị Ngân (xóm 6, thôn Ngọc Chi) phấn khởi ra mặt, cho biết: Bà con vui lắm vì có cây cầu chạy qua, cảm nhận được sự văn minh chạy qua ngay làng mình, thôn mình. Không những đời sống văn hóa thay đổi, đời sống kinh tế cũng tốt hơn. Bà giải thích, vì làm ruộng quanh năm cũng không kiếm được bao nhiêu mà vất vả, có cầu chạy qua, được đền bù gần 300 triệu đồng, mang gửi tiết kiệm cũng có một khoản đáng kể để mang ra chi tiêu hàng tháng.
Thậm chí bà còn tiếc khi nhà có gần 10 sào ruộng mà lại chỉ có 1 sào rơi vào khu đất phải giải tỏa. Rồi bà hỏi, giọng đầy hy vọng “Sắp tới có dự án gì không? Tôi chỉ mong có thêm vài dự án, lấy hết ruộng nhà tôi cũng được”. Câu hỏi “sắp có dự án nào chạy qua đây không cô” được bà Ngân lặp đi lặp lại vài lần trong cuộc trò chuyện. Giọng nói nghe như chờ đợi, mong ngóng, cảm giác như bà thực sự vui khi đất nhà bà… dính vào dự án.
Những thắc mắc kéo dài… 3 năm chưa có lời giải
Tuy đa phần bà con đều phấn khởi khi nhìn thấy cây cầu hiện đại chạy ngay trên… đầu mình nhưng vẫn còn nhiều thắc mắc, nhiều băn khoăn mà bà con đang hàng ngày phải tự đi tìm câu trả lời. Bà Bùi Thị Thúy (một hộ dân thôn Ngọc Giang buộc phải di rời sang khu tái định cư thôn Ngọc Chi để nhường đất nhà, đất ruộng cho dự án) cho biết: “Chúng tôi cũng phấn khởi vì có cái nhà rộng rãi để sinh sống sau khi nhận được tiền và đất để đổi lấy phần đất nhà mình trả mặt bằng làm cầu. Nhưng sang khu tái định cư, nhà tôi tứ tán khắp nơi đi làm thuê. Trước đây tôi có ruộng, mỗi năm trồng ngô cũng được 20-30 triệu, còn chưa kể trồng rau để tự cung tự cấp hay nuôi gà tăng gia, buôn bán kiếm thêm. Bây giờ sang khu tái định cư là “chôn chân chôn tay” luôn vì không biết làm gì, đất trồng vài cây hoa còn phải chắt chiu mãi mới có được thì lấy đâu ra đất trồng rau. Mà số tôi cũng không may, ở thôn Ngọc Giang, ngoài 1 sào đất có sổ đỏ được đền bù 290 triệu đồng, còn lại 6 sào là khai khẩn đất hoang để trồng thêm rau, hoa màu, chăm chỉ làm lụng thì mỗi năm cả 6 sào này cũng để ra được vài chục triệu. Thế mà cầu về, tôi chỉ được đền bù 2 triệu/sào, gần như mất tất cả thu nhập từ nghề nông”.

Hết chuyện bị giảm thu nhập từ trồng ngô, trồng rau, bà Thúy lại kêu đến chuyện làm sổ đỏ. Bà cho biết, gia đình bà đã tiến hành làm sổ đỏ, nộp đủ các loại phí cần thiết rồi nhưng vẫn bị “ngâm” cả mấy năm trời, chưa được cấp sổ đỏ. Bà kể, đã 3 năm phải đi lại để làm sổ đỏ mà chỗ nọ chỉ chỗ kia… Không có sổ đỏ, bà buộc phải bán đất với giá quá rẻ (vì thiếu tiền làm nhà nên phải bán bớt đất đi - PV).

“Nếu có sổ đỏ tôi có thể bán được khoảng 60 triệu/m2 nhưng vì chưa làm được sổ đỏ, tôi chỉ bán được 24 triệu/m2. Tôi thực sự rất bức xúc. Chúng tôi vui vẻ ra đi, nhường đất, bỏ nghề nông để Nhà nước làm cầu cho thuận lợi, nhưng lại không được tạo điều kiện để dân chúng tôi hoàn thiện các thủ tục cần thiết để chúng tôi yên ổn làm ăn. Giờ vẫn cứ thấp thỏm đợi chờ không biết khi nào nhà mình mới được cấp sổ đỏ” - bà Thúy giọng không vui.
Chung tâm trạng bực bội với bà Thúy về sự “khất lần khất lữa” trong việc làm sổ đỏ mới cho nhân dân hai bên cầu Nhật Tân, chị Nguyễn Thị Hiền (tổ 51, khu dân cư số 8) cũng cho biết: Dân Phú Thượng phấn khởi đợi chờ ngày thông xe cầu Nhật Tân nhưng vẫn có nhiều ấm ức cần phải giải tỏa bởi bao nhiêu khó khăn, bất cập từ ngày cầu mới khởi công vẫn chưa giải quyết hết cho nhân dân.
“Nhà tôi bị lấy gần hết đất, cả đất trồng đào lẫn đất thổ cư. Theo chế độ, chúng tôi được hỗ trợ tạm cư với khoản kinh phí 500.000đ/người /tháng để đi thuê nhà, chờ cầu xây xong mới có thể tiến hành xây nhà, nhưng đến thời điểm này cầu chuẩn bị thông, nhà tôi cũng đã xây xong mà tiền tạm cư vẫn chưa nhận được đồng nào. Rồi thêm cả việc tiến hành làm sổ đỏ cho dân cũng gây khó khăn. Bình thường chúng tôi vẫn có sổ đỏ nhà cửa, đất cát của mình, bây giờ di rời, diện tích đất thay đổi, chúng tôi muốn làm lại sổ đỏ cho chuẩn thì đi lại tới vài chục lượt mà vẫn không thể làm xong cuốn sổ đỏ cho mình. Sao lại chỉ muốn dân tạo điều kiện để thực hiện công trình trọng điểm quốc gia mà không tạo điều kiện để dân hợp thức hóa những quyền lợi của mình?” - chị Hiền bức xúc đặt câu hỏi.
Chị Hiền cũng cho biết thêm, gia đình chị thay nhau liên tục lên phường, lên quận từ cuối năm 2011, nhưng đến thời điểm cầu chuẩn bị thông xe vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. “Giờ tôi chán chả muốn đi nữa. Nhưng chúng tôi không thể yên tâm làm tốt công việc của mình nếu thủ tục nhà cửa chưa xong” - câu nói của chị Hiền có lẽ cũng là tâm trạng và thắc mắc chung của hơn 700 hộ dân phải di dời, chuyển đổi ở phường Phú Thượng và hơn 30 hộ dân xã Vĩnh Ngọc. Hầu hết họ đều mong mỏi sẽ được chung niềm vui với lễ thông xe cầu Nhật Tân khi trong lòng thoải mái vì đã nhận được đầy đủ quyền lợi của mình, những quyền lợi họ đương nhiên vẫn có khi dự án cầu Nhật Tân chưa thực hiện.
Nhật Thu - Huy Ba (PLVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.