09/03/2017 9:55 PM
''Có thể các bên liên quan không muốn tiếp tục làm thì đưa ra lý do, phải chăng đó là cái cớ đề thoái thác''

Mới đây, Thành ủy Hà Nội đã truyền đạt kết luận của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với Quận ủy Ba Đình. Trong đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, quận Ba Đình xử lý nghiêm, dứt điểm các sai phạm về trật tự xây dựng còn tồn đọng, nhất là sai phạm tại công trình 8B Lê Trực, 146 Quán Thánh.

Đối với công trình số 8B Lê Trực, quận Ba Đình được giao nhiệm vụ phối hợp với Sở Xây dựng để sớm đưa ra phương án thiết kế an toàn và giải pháp phá dỡ phần sai phạm của công trình theo phê duyệt của Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, hiện tại công ty Cổ phần Tập đoàn Phương Bắc, đơn vị được giao nhiệm vụ thi công phá dỡ phần vi phạm của tòa nhà 8B Lê Trực đã có văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội đề xuất dừng thi công phá dỡ giai đoạn 2 và tháo dỡ cẩu trục tháp, vận thăng lồng tại công trình này.

Lý do được công ty Cổ phần Tập đoàn Phương Bắc đưa ra là đơn vị thiết kế là Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng vẫn chưa đưa ra được phương án phá dỡ giai đoạn 2.

Công trình số 8B Lê Trực

Viện cớ thoái thác?

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhận định, việc phá dỡ một công trình từ trên cao xuống thấp không khó. Nó giống như xếp một đống gạch và dỡ từ trên xuống không có vấn đề gì nhiều.

Về những khó khăn mà đơn vị thiết kế phá dỡ đưa ra như tính chất phức tạp về kiến trúc và kết cấu của tòa nhà, theo TS. Hùng, bất cứ một công ty nào đảm nhiệm việc thiết kế thì phải đưa ra được giải pháp an toàn để tháo dỡ và sửa chữa.

Sau một thời gian mà đơn vị thiết kế vẫn chưa đưa ra được phương án phá dỡ giai đoạn 2, dẫn đến việc công ty chịu trách nhiệm phá dỡ đề xuất dừng thi công phá dỡ, tháo dỡ thiết bị, ''điều này đặt ra một vấn đề, có thể các bên liên quan không muốn tiếp tục làm thì đưa ra lý do, phải chăng đó là cái cớ đề thoái thác?'' ông Hùng đặt nghi vấn.

Theo ông, phía chủ đầu tư phải đưa ra được phương án tháo dỡ an toàn có giải pháp kết cấu, chống đỡ đảm bảo để đơn vị phá dỡ có thể tiến hành công việc của mình. Chủ đầu tư cần tuân thủ theo pháp luật, đã là quyết định của Hà Nội thì phải chấp nhận.

Thực tế đặt ra một vấn đề, trong trường hợp đơn vị thiết kế không đưa ra được phương án tháo dỡ gia đoạn 2 của tòa nhà 8B Lê Trực thì phải làm gì để việc xử lý sai phạm được diễn ra theo đúng tiến độ.

Về việc này, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: ''Trong trường hợp đơn vị thiết kế hiện tại không đưa ra phương án tháo dỡ phù hợp, thì chủ đầu tư bắt buộc phải thuê một đơn vị khác bổ sung để có thể đưa ra phương án tháo dỡ theo quy định''.

Góc nhìn khác

Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh, việc xây dựng của tòa nhà 8B Lê Trực là trái với thiết kế đã được cho phép. Một là vượt quá chiều cao, thứ hai là tự ý mở rộng ra thay vì giật cấp như thiết kế ban đầu.

''Phần cao thì thì họ khắc phục rồi, còn phần không giật cấp thì giờ tiến hành giật cấp. Về nguyên tắc đã sai thì phải phá, làm nghiêm theo quy định. Thế nhưng, tôi nghĩ trong hai cái sai này thì mức độ nguy hiểm và hậu quả không giống nhau. Quan trọng nhất là cái sai về chiều cao thì không được nhân nhượng.

Cái sai về giật cấp thì cũng là sai so với thiết kế ban đầu, nhưng giả sử ban đầu họ thiết kế không giật cấp thì cơ quan chức năng cũng đồng ý, vì cơ bản không có quy định nào bắt công trình phải giật cấp hay không giật cấp.

Do đó tôi nghĩ cái sai thứ hai này, không cần phải chế tài bắt họ phải phá, vừa ảnh hưởng đến chất lượng công trình, và cũng không cần thiết. Thế nhưng sai mà không có chế tài xử phạt nghiêm minh thì lại tạo ra tiền lệ xấu. Vì vậy tôi đề nghị thực hiện theo phương án phạt và cho tồn tại.

Nhưng phạt ở mức độ nào, không phải là phạt hành chính để thu tiền, mà phải phạt thế nào để triệt tiêu lợi ích của việc mở rộng đó. Anh sai anh được lợi ích gì, bây giờ tôi phạt anh cái số tiền, cái lợi ích anh thu được từ việc mở rộng đó về nhà nước. Tôi cho rằng đó là phương án thích hợp, có lý nhưng cũng là có tình'', ông Liêm đề xuất.

Tuy nhiên, theo TS. Phạm Sỹ Liêm, trong trường hợp bắt buộc phải phá dỡ phần sai phạm giai đoạn 2 của tòa nhà 8B Lê Trực thì vẫn có thể thực hiện được. Thế nhưng sẽ phải tốn không ít công sức và thời gian. Do đó phải đặt ra vấn đề là việc phá dỡ ấy có thực sự cần thiết hay không?.

Hoàng Hải (Báo Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.