Gần đây, việc một số nhà đầu tư “xả hàng” các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng đã làm dấy lên mối lo ngại về làn sóng cắt lỗ, tháo chạy khỏi bất động sản nghỉ dưỡng.

Cắt lỗ hàng tỉ đồng

Trên một trang rao vặt bất động sản, một người tên N.T rao bán cắt lỗ ba căn condotel tại Hạ Long, Quảng Ninh. Người bán này quảng cáo, các căn condotel này có nội thất chất lượng 5 sao, kinh doanh khách sạn do một tập đoàn bất động sản quản lý và chia sẻ lợi nhuận cho chủ sở hữu căn hộ.

Đáng chú ý, giá bán ba căn này được rao giảm rất sâu. Cụ thể, căn view golf giá hợp đồng 1,47 tỉ đồng, cắt lỗ 950 triệu đồng. Căn thứ hai giá hợp đồng 1,7 tỉ, cắt lỗ bán 1,1 tỉ. Căn thứ ba giá gốc 2,1 tỉ nhưng bán chỉ 1,3 tỉ đồng.

Trường hợp trên không phải cá biệt. Thời gian qua, nhiều condotel, biệt thự nghỉ dưỡng tại các thị trường nghỉ dưỡng trọng điểm như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc đã chứng kiến làn sóng cắt lỗ sâu. Giới đầu tư đánh giá, diễn biến này không quá bất ngờ khi thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã trải qua thời gian phát triển nóng. Nguồn cung tăng nhanh, kéo theo cả những dự án không tiềm năng ra đời.

Một số nhà đầu tư “xả hàng” các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng trên thị trường thứ cấp. Ảnh minh họa

Lý giải về tình trạng cắt lỗ tại một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam, cho biết bất động sản nghỉ dưỡng là một sản phẩm đầu tư lâu dài. Giá trị của loại hình nằm ở chỗ khai thác nên khi các nhà đầu tư không còn tin tưởng về sản phẩm đó nữa thì khả năng cao họ sẽ bán tháo.

Diễn biến kém lạc quan với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng không chỉ diễn ra trên thị trường thứ cấp. Trên thị trường sơ cấp, báo cáo mới đây của một doanh nghiệp bất động sản cũng cho biết, lũy kế 6 tháng qua thị trường condotel cả nước ghi nhận 1.591 căn mở bán. Tỉ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới chỉ đạt 59%. Sức cầu thị trường ở mức thấp, tập trung cục bộ tại một số dự án ở một số khu vực.

Thị trường thanh lọc

Theo ông Kiệt của CBRE Việt Nam, khi nhà đầu tư hoài nghi về tính khả thi của một dự án thì việc họ cắt lỗ không phải là việc quá ngạc nhiên. Tuy nhiên, động thái cắt lỗ chỉ diễn ra với một vài dự án ở một số chủ đầu tư đang có vấn đề, khác với việc nhà đầu tư đang hoài nghi về tiềm năng của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.

Do vậy, ông Kiệt cho biết chưa ghi nhận làn sóng bán tháo trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Chỉ có một số nhà đầu tư không còn niềm tin vào dự án và họ muốn thoát khỏi dự án. Điều này không có nghĩa họ sẽ thoát khỏi thị trường mà có thể chuyển hướng tìm dự án khác tiềm năng hơn.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cần có sự thanh lọc lại để phát triển ổn định hơn.

Xét về bình diện chung, ông Kiệt nhận định thị trường vẫn có những dự án tốt. Chẳng hạn tại thị trường Phú Quốc, 3-4 năm về trước có rất nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng ra đời. Hiện nhiều dự án trong số đó đã đi vào vận hành và đang mang lại lợi nhuận ổn định cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cũng nói thêm, đặc thù bất động sản nghỉ dưỡng phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin của nhà đầu tư đối với đơn vị phát triển và đơn vị vận hành chứ không phải bán, bàn giao là xong. Với bất động sản nghỉ dưỡng, chủ đầu tư sẽ phải có trách nhiệm liên kết với các đơn vị vận hành để đảm bảo lợi nhuận cho các nhà đầu tư.

Ông Kiệt đánh giá bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam nở rộ trong thời gian ngắn với nguồn cung lớn và nhiều sản phẩm có sản phẩm tốt nhưng có sản phẩm không có tiềm năng để đầu tư lâu dài. Vì vậy, thị trường cần có sự thanh lọc lại để phát triển ổn định hơn.

Bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam nở rộ trong thời gian ngắn với nguồn cung lớn và nhiều sản phẩm có sản phẩm tốt nhưng có sản phẩm không có tiềm năng để đầu tư lâu dài. Vì vậy, thị trường cần có sự thanh lọc lại để phát triển ổn định hơn.

Nhiều nhà đầu tư tham gia vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng chỉ đơn thuần vì cam kết lợi nhuận mà quên rằng phân khúc này tiềm năng hay không phụ thuộc rất nhiều vào tình hình phát triển du lịch. Đã từng có thời điểm các chủ đầu tư để bán được hàng đã đưa ra cam kết lợi nhuận 8-10% một năm – con số được xem là bất khả thi. Theo ông Kiệt, mức cam kết khả thi cao nhất chỉ khoảng 5-7% một năm.

“Đầu tư bất động sản đúng nghĩa phải xem tiềm năng du lịch của khu vực dự án tọa lạc, đơn vị phát triển sản phẩm có năng lực hay không, đơn vị vận hành có tốt không. Những yếu tố đó mới quyết định lợi nhuận khi đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng”, ông Kiệt nói.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.