Một khu đất thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng( Đắk Lắk)
Giao rừng cho cán bộ
Theo Nghị định 135 của Chính phủ, những đối tượng (người dân tộc thiểu số tại chỗ; đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn đang cư trú trên địa bàn, có nhu cầu nhận giao khoán đất; hộ gia đình có nhu cầu trực tiếp sản xuất nông lâm nghiệp) được nhận đất, giao khoán rừng phục vụ phát triển kinh tế. Thế nhưng, tại huyện Krông Năng (Đắk Lắk), nhiều cán bộ không thuộc đối tượng trên vẫn được giao.
Từ năm 2012, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, UBND tỉnh Đắk Lắk từng giao Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn (BQLRPH) Krông Năng quản lý gần 7.800 ha rừng và đất lâm nghiệp (trong đó 5.000 ha rừng phòng hộ đầu nguồn), nhưng do buông lỏng quản lý khiến 2.661 ha rừng bị lấn chiếm. Đáng nói, BQLRPH Krông Năng sau đó đã giao 874,9 ha cho hàng loạt đối tượng sai quy định, họ là những nhóm hộ gia đình cán bộ (đương chức thời đó) của huyện Krông Năng.
Cụ thể, đơn vị này giao rừng cho cho các nhóm hộ gồm: nhóm hộ bà Mai Thị Hải Yến (vợ ông Phạm Minh Sơn, nguyên Chủ tịch UBND huyện, sau đó làm Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk, nay đã nghỉ hưu); nhóm hộ ông Trương Công Đản (nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy); nhóm hộ ông Nguyễn Minh Trình (cán bộ Chi cục Thuế huyện); nhóm hộ ông Nguyễn Đình Chương (cán bộ Chi cục Thuế huyện); nhóm hộ bà Triệu Thị Hồng (vợ ông Nguyễn Kim Liên, nguyên Chủ tịch UBND xã Cư Klông)...
Cũng từ năm 2012, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo, thu hồi toàn bộ diện tích giao trái quy định nói trên.
Tuy nhiên, đến nay sau gần 8 năm nhưng chính quyền địa phương vẫn loay hoay xử lý chưa xong . Theo đó, BQLRPH cho biết mới chỉ thanh lý hợp đồng, thu hồi được 655,1 ha rừng giao sai đối tượng; còn 219,8 ha vẫn chưa thu hồi được (trong đó có nhóm hộ bà Mai Thị Hải Yến- vợ ông Phạm Minh Sơn (58,5 ha); nhóm hộ bà Triệu Thị Hồng (80,6ha); nhóm hộ ông Nguyễn Minh Trình (45 ha)…).
Chây ỳ
Ông Nguyễn Thanh Sơn (nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Đắk Nông) cũng bị Ủy ban kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo vào năm 2017, do vi phạm các quy định về luật đất đai, vi phạm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Cụ thể, dù không thuộc đối tượng, không đủ điều kiện, tiêu chuẩn nhưng ông Sơn và gia đình đã kê khai nguồn gốc đất khai hoang không đúng thực tế, hợp thức hóa thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với diện tích 41,5 ha trên địa bàn 2 huyện Đắk Song, Đắk G’long (Đắk Nông).
Sau kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương, UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu thu hồi toàn bộ diện tích đất cấp trái quy định cho ông Sơn. Thế nhưng đến nay, chính quyền 2 huyện mới thu hồi được GCNQSDĐ với phần diện tích được cấp, nhưng còn đất thực tế, ông Sơn đã chuyển nhượng, hợp tác làm ăn với nhiều người. Cụ thể, tại huyện Đắk G’long, ông Sơn được cấp 4 GCNQSDĐ với 28,33 ha. Hiện tại, ông Sơn đã chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất này cho 8 hộ dân. Từ khi bị thu hồi GCNQSDĐ, ông Sơn liên tục có đơn đề nghị chính quyền cấp lại GCNQSDĐ cho toàn bộ diện tích đất bị thu hồi. Tại huyện Đắk Song, ông Sơn còn được cấp hơn chục ha đất không đúng quy định nhưng nay cũng đề nghị được cấp lại GCNQSDĐ.
Theo nguồn tin của Tiền Phong, tỉnh Đắk Nông vẫn giữ quan điểm thu hồi toàn bộ diện tích đất cấp không đúng quy định cho ông Sơn (theo như kết luận của Thường trực Tỉnh ủy giai đoạn 2017-2018). Tỉnh này cũng đang nghiên cứu phương án thu hồi hợp lý, bởi diện tích đất (đã cấp cho ông Sơn) hiện hình thành nhiều tài sản có giá trị, cần tính toán kỹ.
Ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk G’long (Đắk Nông) cho biết, đang xây dựng phương án cho ông Nguyễn Thanh Sơn (nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Đắk Nông) thuê lại toàn bộ diện tích đất trên. Lý do, ông Sơn đã chuyển nhượng đất cho nhiều người khác. Tài sản hình thành có giá trị lên tới nhiều tỷ đồng, UBND huyện gặp khó khăn về ngân sách hỗ trợ, bồi thường. Phía huyện đang chờ ý kiến chỉ đạo, phương án thu hồi tiếp theo của tỉnh. |
Ngày 24/12, trao đổi với Tiền Phong về tiến độ thu hồi đất đã giao trái quy định theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ từ năm 2012, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng ( Đắk Lắk)-ông Trần Minh Châu cho biết, đã triển khai “khắc phục hậu quả”. “Chúng tôi thực hiện nghiêm kết luận. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn một số vướng mắc, chưa xong”, ông Châu nói. |
-
Xẻ 'đất vàng' làm nhà trái phép ở Đắk Lắk: Bất lực hay bao che?
Chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đất thương mại dịch vụ sang đất ở, nhưng chủ đầu tư tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vẫn tiếp tục triển khai rầm rộ xây dựng (nhà ở và sắp hoàn thành).
-
Duyệt chủ trương đầu tư khu công nghiệp hơn 313ha ở Đắk Lắk
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phú Xuân tại huyện Cư M’gar được chấp thuận đầu tư với quy mô hơn 313ha.
-
Bộ GTVT thông tin về dự án cao tốc kết nối Đắk Lắk với Đắk Nông
Bộ Giao thông Vận tải vừa có phản hồi kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk về các dự án hạ tầng giao thông kết nối với tỉnh Đắk Nông. Trong đó có tuyến cao tốc Gia Nghĩa – Buôn Ma Thuột.
-
Buôn Ma Thuột động thổ tuyến đường hơn 565 tỉ đồng
Ngày 17/12, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP.Buôn Ma Thuột đã động thổ đường Tôn Đức Thắng. Đây là công trình hạ tầng giao thông trọng điểm nhằm phát triển đô thị Buôn Ma Thuột, với tổng mức đầu tư hơn 565 tỉ đồng....