Phía nhà thầu kêu thiếu mặt bằng thi công trong khi mức đền bù thiệt hại cho người dân lại chưa được thực hiện thỏa đáng khiến dự án chậm tiến độ.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang bước vào giai đoạn nước rút. Thế nhưng, trên toàn tuyến hiện còn 28 điểm vướng giải phóng mặt bằng chưa thể thi công được; trong đó, tỉnh Quảng Nam vướng 24 điểm, tỉnh Quảng Ngãi 4 điểm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến công trình chậm tiến độ.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường Cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, tổng chiều dài toàn tuyến gần 140 km. Công trình được khởi công cách đây hơn 4 năm, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm nay.
Đơn vị thi công đường dẫn vào cao tốc.
Tuy nhiên hiện nay, do vướng mắc tại 28 vị trí mặt bằng nên chưa thể bàn giao cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Tại các huyện Duy Xuyên và Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam hiện còn hạng mục hầm chui dân sinh, đường gom nhưng không có mặt bằng để thi công.
Trong khi đó, tại các huyện Phú Ninh, Thăng Bình thì lại vướng mặt bằng tuyến chính, một số hộ dân chặn xe phản đối vì cho rằng, quá trình thi công làm rung nứt nhà ở, kết cấu dân sinh.
Đại diện Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi cho biết, mặt bằng chưa có để bàn giao cho đơn vị thi công nên không thể thi công được. Kế hoạch của địa phương cứ hứa từ tuần này sang tuần khác trong khi Ban Quản lý đã sát sao bám việc, hỗ trợ tối đa về mặt thủ tục và đo đạc.
Trong khi đó, lãnh đạo chính quyền các địa phương lại cho rằng, thời gian qua, địa phương đã làm hết sức mình trong việc vận động người dân thực hiện chủ trương di dời, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn 4 điểm vướng mặt bằng; trong đó có 3 điểm tại mặt bằng thi công trên tuyến chính, 1 điểm vướng mặt bằng đường ngang.
Ông Đặng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, vấn đề chậm tiến độ là thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư. Do lựa chọn nhà thầu, đấu thầu đối với các nhà thầu nước ngoài đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi đấu thầu bỏ giá rất là thấp.
“Sau khi trúng thầu với giá thấp, các nhà thầu lại kêu gọi các thầu phụ để thực hiện thi công nhưng hầu như không có doanh nghiệp nào chấp nhận gói thầu được giao lại nên kéo dài thời gian đầu không thi công được”, ông Minh cho hay.
Trước nguy cơ tuyến cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi chậm trễ tiến độ, gây lãng phí vốn đầu tư, giảm hiệu quả dự án; từ ngày 28/2, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện gửi UBND thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và Bộ Giao thông Vận tải, chỉ đạo kiểm tra, giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, yêu cầu các địa phương bàn giao mặt bằng trước ngày 15/3/2017.
Tuy vậy, đến nay sau gần 3 tháng thực hiện Công điện của Thủ tướng, vẫn còn tồn đọng một số điểm vướng mắc phát sinh, ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành dự án. Trong số 24 vị trí tại tỉnh Quảng Nam có 10 điểm vướng mặt bằng thuộc đường ngang, đường gom và đường nối nút giao thuộc các gói thầu số 4, 5 và 7.
Các gói thầu này sử dụng vốn của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA); 14 điểm vướng mắc mặt bằng trên tuyến chính, đường ngang, đường gom, trạm dịch vụ thuộc phạm vi các gói thầu A1, A2 sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).
Người dân huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam cho rằng, quá trình thi công cao tốc làm nhiều ngôi nhà bị nứt.
Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, vẫn còn nhiều phát sinh trong quá trình thi công; chẳng hạn như đơn vị thi công làm nứt nhà dân nhưng chưa đền bù thỏa đáng.
“Đơn vị thi công làm rung, lún nứt nhà dân nhưng mời đơn vị bảo hiểm vào lại chưa có sự đồng thuận giữa người dân, đơn vị bảo hiểm và nhà thầu thi công. Người dân cho rằng, giá bảo hiểm là quá thấp nên đã mời Phòng Kinh tế hạ tầng của địa phương đứng ra làm đơn vị quản lý nhà nước để xác định nhưng người dân vẫn chưa đồng thuận, phải đề nghị đơn vị tư vấn độc lập”, ông Toàn giải thích.
Để công trình hoàn thành đúng tiến độ, chủ đầu tư đề nghị chính quyền địa phương xử lý dứt điểm các tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng phát sinh tại dự án. Việc bàn giao mặt bằng sớm cho chủ đầu tư sẽ hỗ trợ công trình về đích đúng hạn, giảm suất đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cũng vừa ký văn bản gởi UBND các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đề nghị xử lý dứt điểm các tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng phát sinh tại Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi./.
Hoài Nam - Minh Hoa (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.