23/09/2016 1:09 PM
CafeLand - Giới kinh doanh địa ốc lâu nay rất quan tâm đến cơ hội phát triển và thu hút đầu tư vào mảng văn phòng thương mại. Câu hỏi tại sao diện tích các cao ốc văn phòng vẫn khó được phủ kín, hoặc chỉ được thuê với mức giá rẻ, đang khiến nhiều nhà đầu tư đau đầu. Một phản ảnh mới đây, đến từ các doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng đã phần nào đặt lại vấn đề, rằng phải chăng chính các doanh nghiệp đầu tư bất động sản “đi sai đường”?

Sáng 22/9, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đã có hội thảo trao đổi cùng lãnh đạo chính quyền Đà Nẵng, một cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư trình bày các vấn đề vướng mắc với họ.

Chỉ có một cao ốc “công nghệ” tại Đà Nẵng?

Ông Moriyuki Hosokawa, Tổng giám đốc công ty TNHH Đà Nẵng Nippon Seiki (Đà Nẵng) chia sẻ, suốt nhiều tháng qua, đơn vị ông đã cố tìm kiếm một cao ốc tại Đà Nẵng để thiết lập một văn phòng làm việc mới, lo về dịch vụ trực tuyến và chăm sóc khách hàng. Ông cũng có ý định mời một số bạn bè tại Nhật sang Đà Nẵng làm ăn.

Nhưng kết quả thu được làm ông không khỏi băn khoăn, vì nhận ra các cao ốc ở địa phương không đạt các yêu cầu cần thiết cho hoạt động đầu tư kinh doanh ứng dụng công nghệ.

“Hai nội dung chính mà chúng tôi chú ý trước hết, là chất lượng các dịch vụ công nghệ, mạng Internet cho các văn phòng có ổn định và tốc độ cao hay không và công tác bảo mật cho văn phòng, tòa nhà như thế nào.

Bảo mật ở đây có 2 góc cạnh, một là điều kiện hạ tầng kỹ thuật để hỗ trợ doanh nghiệp đặt server, kết nối đường truyền ổn định, công tác bảo mật tốt, điện lưới an toàn. Hai là việc cảnh giác, bảo vệ thực tế ra sao, hạn chế người đi lại, xâm nhập vào các văn phòng làm việc.

Vậy mà, xem xét nhiều cao ốc ở Đà Nẵng, chúng tôi đều không nhận được thông số tốt nào từ yêu cầu về chất lượng dịch vụ và bảo mật liên quan đến công nghệ như vậy”. Ông Moriyuki phân tích.

Ông Moriyuki đánh giá chỉ duy có cao ốc Công viên phần mềm số 1 Đà Nẵng tại đường Quang Trung, là đạt các tiêu chí cho việc thiết lập văn phòng ứng dụng công nghệ và Internet chất lượng.

Tòa nhà này, được địa phương đầu tư mạnh về ứng dụng công nghệ, có các hệ thống về bảo mật, an ninh mạng, an ninh nội bộ... rất tốt. Đường truyền Internet tại đây có tính tùy biến cao, doanh nghiệp thuê văn phòng có thể sử dụng cả 3 mạng viễn thông Internet của VNPT, Viettel và FPT.

Điều này lý giải vì sao đến nay, Công viên phần mềm số 1 của Đà Nẵng đã phủ kín mặt bằng cho thuê, và có đến 22 doanh nghiệp, trong tổng số 37 doanh nghiệp hiện diện tại đây, là các doanh nghiệp Nhật Bản.

Bất động sản “thông minh” hơn, tại sao không?

“Chúng tôi nghĩ rằng, chính quyền và các nhà đầu tư địa ốc, nên có các cơ hội tốt hơn cho những doanh nghiệp đang tìm kiếm mặt bằng cho thuê đảm bảo các yêu cầu về ứng dụng CNTT, Internet chất lượng cao, là những cao ốc “thông minh” thật sự”. Ông Moriyuki kiến nghị.

Trả lời câu hỏi này, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đang tích cực xây dựng thêm một công viên phần mềm khác, bổ trợ cho công viên số 1 hiện đã quá tải. Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 cũng sẽ được đặt ở trung tâm Đà Nẵng, với hạ tầng kỹ thuật về viễn thông, Internet chất lượng cực kỳ cao, hứa hẹn thu hút doanh nghiệp công nghệ đến làm việc.

Phía ngoại ô, Đà Nẵng cũng đang tổ chức khu công nghệ cao tập trung, sẽ là địa chỉ thiết thực thu hút các dự án chuyên sâu về công nghệ, có quy mô lớn về năng lực sản xuất, đầu tư giải pháp và tạo các sản phẩm chất lượng.

Có điều, quả thật đã đến lúc nhìn thấy thực trạng nhà ở, cao ốc Đà Nẵng và hệ thống các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến, Internet là có vấn đề.

Ông Minh yêu cầu rõ, Đà Nẵng đã chọn là một đô thị thông minh, ưu tiên mũi nhọn công nghệ cao, thì rất cần có nhiều cao ốc thông minh, nhiều văn phòng hoạt động trực tuyến... Mà như vậy, việc đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật của các cao ốc này, là rất thiết thực, các nhà đầu tư nên nghĩ đến.

“Cách đặt vấn đề của các doanh nghiệp Nhật Bản đang mở ra một ngách đi mới, rất tốt cho thị trường bất động sản Đà Nẵng. Thay vì chỉ quan tâm về diện tích mặt sàn, số tầng cao..., người ta cần nghĩ đến những tiện ích dịch vụ chất lượng tốt hơn, là ứng dụng CNTT, điện toán đám mây và tương tự”. Một nhà đầu tư bất động sản tại khu vực trung tâm Đà Nẵng đồng cảm.

“Tôi cũng nhận thấy nhiều tòa nhà của các đơn vị bưu điện Đà Nẵng, FPT, các nhà cung cấp mạng như VNPT, Viettel... có hạ tầng kỹ thuật rất tốt, có điều hình như chưa khai thác hiệu quả thì phải. Tại sao không thúc đẩy sử dụng các mặt bằng ấy theo hướng chất lượng dịch vụ công nghệ?”. Ông Hồ Kỳ Minh gợi ý.

Nhạc Duy Hạ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.