18/04/2014 1:36 PM
Cuối tuần này và tuần tới, nhiều ngân hàng thương mại cùng tiến hành họp đại hội đồng cổ đông 2014. Nhiều kế hoạch, định hướng sáp nhập hoặc hợp nhất đã lần lượt được công bố.

Một loạt ngân hàng đã chính thức tính đến phương án sáp nhập, hợp nhất với ngân hàng khác.

Trước mùa đại hội này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã gợi mở, sau khi xử lý 9 ngân hàng yếu kém hai năm qua, năm nay dự kiến sẽ có thêm 6-7 ngân hàng thương mại tiến hành sáp nhập hoặc hợp nhất.

Thực tế đang dần định hình.

Hai cơ sở tính trước tiến độ

Hiện tên các ngân hàng và các “cặp đôi” chưa được công bố cụ thể và một cách chính thức, song có thể thấy đây là một số thành viên yếu kém mà Ngân hàng Nhà nước xác định thêm sau 9 ngân hàng đợt đầu, và cũng có một số trường hợp không hẳn là yếu kém nhưng do yêu cầu tồn tại và phát triển.

Do sáp nhập hoặc hợp nhất ngân hàng thuộc diện thông tin nhạy cảm, các kế hoạch thường được trù tính kỹ và trình Ngân hàng Nhà nước xét duyệt, cho chủ trương trước khi có đề án chi tiết. Nhưng, đến thời điểm này có thể trù tính tiến độ tái cơ cấu hệ thống sắp bước vào mùa cao điểm mới, được đẩy nhanh, ít nhất là ở sự sắp xếp lại số lượng thành viên.

Bởi lẽ, thứ nhất, với thói quen định hướng trước kế hoạch và chính sách cho công chúng để làm, gợi mở của Thống đốc dĩ nhiên có cơ sở từ những kế hoạch đã trù tính.

Thứ hai, mới đây Chính phủ đã đưa ra thông điệp rõ ràng ở nghị quyết về đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo nghị quyết trên, Chính phủ nêu rõ, đối với việc thoái vốn tại các công ty đầu tư tài chính, các ngân hàng thương mại của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, có thể giao các ngân hàng thương mại nhà nước mua lại hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu.

Trong một lần trao đổi bên lề với VnEconomy, một lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước lưu ý ở thông điệp trên: sự tham gia của các ngân hàng thương mại nhà nước - một cơ sở và lực đẩy mới cho quá trình tái cơ cấu.

Cụ thể hóa lưu ý trên, tuần rồi thị trường đã đón thông tin bước đầu về kế hoạch sáp nhập Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) vào Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank). Dù mới chỉ ở mức độ tình huống trong thông tin với công chúng, PG Bank vừa điều chỉnh nội dung tờ trình trước thềm đại hội đồng cổ đông, dù được biết không phải Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo VietinBank vào cuộc, nhưng “cuộc hôn nhân” này nếu diễn ra đúng như vậy thì cũng khớp với định hướng chỉ đạo của Chính phủ. Tại PG Bank, Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex đang có tỷ lệ sở hữu tới 40% và buộc phải giảm.

Tương tự, gần đây thị trường cũng xôn xao khả năng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống bằng việc sáp nhập một ngân hàng nào đó. Nếu vậy, điều này cũng phù hợp với định hướng trên của Chính phủ.

Tuy nhiên, trong chương trình phiên họp đại hội đồng cổ đông Vietcombank sắp tới không có tờ trình hay nội dung cụ thể nào liên quan. Một lãnh đạo cao cấp của Vietcombank cũng cho VnEconomy biết, ngân hàng này có thể tính đến kế hoạch đó, nhưng sẽ phải xin ý kiến cổ đông, chờ định hướng của Ngân hàng Nhà nước và khó xúc tiến được ngay trong năm nay.

Đã có những cái tên

Mở đầu cho mùa cao điểm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng năm nay là sự kiện Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tính sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank), dù không mới.

Nối tiếp, thị trường đón nhận khả năng Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) sẽ sáp nhập Ngân hàng Mê Kông (MDB).

Phía sau hai khả năng trên, các mối quan hệ sở hữu chéo trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam có thể sẽ giảm bớt.

Còn ở tình huống PG Bank đến với VietinBank, dù PG Bank đã sửa đổi nội dung thông tin tờ trình đại hội đồng cổ đông, song một tổ chức đầu tư nhìn nhận: “Với việc PG Bank có khả năng sinh lợi thấp và có thị phần nhỏ hơn so với VietinBank, trong thương vụ này có vẻ như VietinBank đóng vai trò hỗ trợ cho PG Bank hơn là quyết định đầu tư vào PG Bank, đặc biệt là sau khi sáp nhập PG Bank sẽ vẫn giữ nguyên cơ cấu và thương hiệu hiện tại” (?).

Khả năng sáp nhập hoặc hợp nhất vào một tổ chức tín dụng khác cũng được đặt ra với Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank), có trong nội dung tờ trình chuẩn bị cho đại hội đồng cổ đông năm nay. Đối tác hoặc những đối tác mà Viet Capital Bank hướng tới hiện chưa được tiết lộ.

Tương tự, thay vì khả năng tự tái cơ cấu mà một số người trong ngành tính đến, Ngân hàng Việt Á (VietABank) cũng đã có tờ trình cho đại hội đồng cổ đông xin ủy quyền cho Hội đồng Quản trị chủ động nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn, đàm phán và đề xuất phương án hợp nhất/sáp nhập với tổ chức tín dụng khác. Với VietABank, hiện có thể xét cả hai khả năng trên, cùng với kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay.

Như trên, một số ngân hàng đang tính đến hướng sáp nhập hoặc hợp nhất có thể thuộc diện yếu kém do Ngân hàng Nhà nước xác định thêm, một số không hẳn là yếu kém nhưng do yêu cầu tồn tại và phát triển. Nhưng điểm chung, đó là những ngân hàng có quy mô nhỏ, đang gặp khó khăn trong hoạt động và chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại nông thôn chuyển đổi lên đô thị 7-8 năm về trước.

Và sau loạt chuyển đổi đó với sự mở rộng quá nhanh hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, đến nay, quá trình tái cơ cấu là bước co gọn lại về số lượng thành viên.

Minh Đức (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.