Hội đồng Nhà cao tầng và Môi trường sống đô thị (CTBUH) đã đưa ra một thuật ngữ mới cho phần chiều cao này là “Vanity Height” (chiều cao phù phiếm), vì nó không có công dụng nào ngoài việc chỉ để được liệt vào danh mục “tòa nhà chọc trời siêu cao”.
“Chúng tôi nhận thấy tòa tháp Kingdom Tower ở Jeddah, Ả Rập Saudi có một phần diện tích lớn ở chóp dường như không sử dụng được. Điều đó đã thúc đẩy chúng tôi thực hiện cuộc điều tra về xu hướng xây dựng những tòa nhà cao chọc trời có một phần lớn diện tích không sử dụng được. Chúng tôi đã tạo ra một thuật ngữ mới cho những tòa nhà như vậy là Vanity Height”, CTBUH nói. CTBUH xếp phần “chiều cao phù phiếm” là khoảng cách giữa không gian sống cao nhất của một tòa nhà chọc trời với phần chóp kiến trúc của nó.
Theo một báo cáo của CTBUH về các tòa nhà “phù phiếm” nhất thế giới, phần diện tích không sử dụng được của nhiều tòa nhà chọc trời mới chiếm tới 39% tổng chiều cao.
Burj Al Arab – tòa nhà được xem là biểu tượng của Dubai, mô phỏng theo hình cánh buồm – được đánh giá là tòa nhà phù phiếm nhất thế giới khi có tới 131 m chiều cao không thể sử dụng được nằm ở phần chóp tòa nhà, chiếm 39% trong tổng chiều cao 321 m. Nếu không có phần chiều cao này, Burj Al Arab sẽ bị “lùn” hẳn xuống dưới mức tiêu chuẩn “tòa nhà siêu cao”. Chuẩn để được gọi là “tòa nhà siêu cao” phải ít nhất đạt 300 m.
Tòa nhà của Ngân hàng Mỹ Bank of America ở thành phố New York được xếp thứ hai sau Burj Al Arab, khi có tới 34%, tương đương 131 m chiều cao, là không sử dụng được. Không chỉ Burj Al Arab, Bank of American Tower, nhiều tòa nhà chọc trời cũng có phần lớn diện tích không sử dụng được. Theo CTBUH, 61% tòa nhà chọc trời trên thế giới sẽ mất danh xưng tòa nhà siêu cao nếu không có phần phù phiếm này.
Khi Trung Quốc và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) bắt đầu cuộc ganh đua xem quốc gia nào có các tòa nhà chọc trời ấn tượng nhất thế giới thì việc thêm phần diện tích thừa thải vào các tòa nhà cũng trở thành chuyện bình thường. Có thể thấy, 5 trong tổng số 10 tòa nhà chọc trời phù phiếm nhất thế giới do CTBUH xếp hạng là đóng đô tại UAE, trong khi có tới 3 cư ngụ tại Trung Quốc; chỉ có 2 nằm tại New York, Mỹ.
UAE là quê hương của tòa nhà cao nhất thế giới, tòa nhà Burj Khalifa của Dubai, với chiều cao 830 m. Khi được khánh thành vào tháng 1.2010, tòa nhà này đã vấp phải nhiều lời chỉ trích. Nhiều người cho rằng đó là sự hoang phí vô độ, chỉ thể hiện quyền lực của đồng tiền. Tòa nhà tiêu tốn hơn 1 tỉ euro này được xây dựng vào lúc cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra và Dubai đang ngập trong những món nợ khổng lồ. Christian Baumgart, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đức (DAI), từng nhận xét: “Kiến trúc là tính đến giá trị chứ không được xác định bởi độ cao và sự hoành tráng”.
Tòa nhà này có chiều cao phù phiếm là 244 m. Chỉ phần chiều cao không sử dụng này không thôi cũng đủ để làm một tòa nhà cao thứ 11 ở châu Âu. Paul Goldberger, nhà phê bình kiến trúc của tờ The New Yorker, nhận xét: “Cũng giống như hầu hết các tòa nhà chọc trời khác, công năng hầu như không phải là điều mà Burj Khalifa chú trọng”.
Thực ra, tòa nhà phù phiếm nhất, theo CTBUH, là khách sạn Ukraina ở Moscow, Nga. Tòa nhà này có độ cao chỉ 206 m, rất thấp so với các tòa nhà siêu cao khác, nhưng có tới 42% là không sử dụng được. Nhưng vì độ cao chỉ 206 m, dưới chuẩn 300 m để được gọi là tòa nhà chọc trời siêu cao, nên Khách sạn Ukraina không được điểm mặt trong báo cáo của CTBUH.
Dù vậy, sức hút của các tòa nhà chọc trời vẫn rất lớn. Mới đây, Chính phủ Hàn Quốc đã phê duyệt kế hoạch xây dựng tòa tháp cao 450 m có thể trở nên “vô hình”. Tòa tháp quan sát này, do công ty Mỹ GDS Architects thiết kế, sẽ được lắp camera để quay lại các cảnh vật xung quanh. Những hình ảnh này sau đó được tái tạo theo thời gian thực trên bề mặt kính của tòa nhà bằng 500 dãy đèn LED. Với chiều cao 450 m, tòa nhà dự kiến sẽ xếp thứ 6 trong danh sách những tòa tháp cao nhất thế giới, với khu quan sát cao thứ 3 thế giới.