Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2011 đã giảm tốc, tuy nhiên, ẩn số lạm phát vẫn nằm ở tháng 2, tháng 3…

Tháng 1/2011, giá tiêu dùng đã giảm tốc đáng kể. Ảnh: Đức Thanh

CPI tháng 1/2011 tăng 1,74% so với tháng 12/2010. Đây không phải là con số bất ngờ và không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia kinh tế, nhất là sau khi Hà Nội và TP.HCM công bố CPI tháng đầu tiên của năm mới, tăng tương ứng 1,68% và 1,01%. Thậm chí, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) còn cho rằng, đó là một con số hoàn toàn “chấp nhận được”.

“Nếu không có những cảnh báo sớm và không có sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, thì trong xu hướng CPI tăng cao trong tháng cuối năm như vậy, CPI tháng 1 sẽ ở mức cao hơn”, ông Ân nói.

Tuy nhiên, CPI tháng đầu năm 2011 có giảm tốc (thấp hơn so với mức tăng 1,98% của tháng 12/2010), song cũng phải thấy rằng, đây là mức tăng trên “nền” giá cả đã tăng khá cao trong năm trước. Hơn thế, nếu so với mức tăng CPI của các tháng 1 trong vòng 6 năm trở lại đây, thì 1,74% là mức tăng khá cao, chỉ sau con số 2,38% của năm 2008 - năm mà lạm phát của Việt Nam lên tới 19,9%. Bởi thế, theo quan điểm của ông Ân, vẫn tiếp tục phải “cảnh giác” với tốc độ tăng CPI trong hai tháng còn lại của quý I/2011, đặc biệt là tháng 2 - tháng có Tết Nguyên đán.

Phân tích nguyên nhân khiến CPI của Hà Nội tăng cao trong tháng 1, ông Nguyễn Công Mùi, Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội cho rằng, có một phần nguyên nhân từ đợt rét đậm, rét hại kéo dài, khiến giá thực phẩm tươi sống, rau quả tăng cao. “Thời tiết lạnh khiến nhu cầu về các sản phẩm may mặc, giày dép tăng cao và vì thế, đẩy giá lên”, ông Mùi nói.

Thực tế, giá rét kéo dài cũng đang tác động khá lớn tới mức tăng CPI chung của cả nước. Trong các số liệu thống kê mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, thì CPI của thực phẩm tăng tới 2,74%, khiến nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,47%. Trong khi đó, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,81%.

Điều đáng nói là, trong tháng 2, tháng có Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm và cả nhu cầu có khả năng thanh toán đối với các nhóm hàng này sẽ tiếp tục tăng, do vậy, nhiều khả năng, CPI tháng 2 sẽ tăng cao hơn so với tháng 1/2011.

“Theo dự báo của tôi, CPI tháng 2 sẽ ở mức trên 2%”, ông Ân nói và phân tích rằng, tháng 2 và tháng 3, cả ở thị trường thế giới và trong nước, nhu cầu năng lượng, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất sẽ tăng cao hơn, nên sẽ tác động đến giá cả đầu vào. Thêm vào đó, việc từ tháng 1/2011, lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp tăng cũng có thể tác động đến giá cả thị trường.

Thông thường, CPI 3 tháng đầu năm là biểu hiện khá rõ nét của xu hướng lạm phát của cả năm. Nếu CPI tháng 2 tăng cao hơn, kéo sang cả tháng 3, thì có thể, năm 2011 sẽ tiếp tục là năm Việt Nam phải vất vả với việc kiềm chế lạm phát.

Thực tế cho thấy, đây cũng là điều đã được cảnh báo ngay từ cuối năm 2010, khi CPI bắt đầu xu hướng tăng cao trở lại. Khi đó, không ít ý kiến của các chuyên gia kinh tế đã cho rằng, ngay từ đầu năm, phải quyết liệt kiểm soát giá cả, bởi nếu không, hệ lụy sẽ rất lớn tới nền kinh tế.

Rất đáng mừng là, Chính phủ đã có thông điệp rất rõ ràng về việc ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong năm 2011. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Ân, cùng với một loạt giải pháp kiềm chế giá cả, đặc biệt trong dịp Tết, bao gồm cả biện pháp hành chính lẫn việc trợ giá đối với một số mặt hàng thiết yếu, thì điều không kém phần quan trọng là cần kiểm soát tốt hơn chi tiêu công - một trong những nguyên nhân được các chuyên gia kinh tế cho là khá cơ bản ảnh hưởng tới lạm phát.

“Chưa thấy có những đường hướng cụ thể và rõ ràng để kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả chi tiêu công. Cần phải có sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để nâng cao hiệu quả đầu tư công”, ông Ân nhấn mạnh.

Cafeland.vn - Theo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland