Nếu mức bội chi và bảo lãnh Chính phủ của Việt Nam vẫn như hiện nay, tỷ lệ nợ công có thể sẽ vượt trần cho phép những năm tới (65% GDP). Mặt khác, dư địa ngân sách ngày càng mỏng khiến nợ công hoàn toàn có thể mất bền vững ngay cả với những cú sốc nhẹ.

Đây là một phần đáng chú ý trong Báo cáo đánh giá chi tiêu công Việt Nam vừa được Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố sáng 3/10.

Thông tin vay nợ… không nắm được

Theo đánh giá của nhóm thực hiện, nợ công Việt Nam đang tặng mạnh do chính sách tài khóa nới lỏng trong những năm qua. Nợ công so với GDP đã tăng từ mức 51,7% năm 2010 lên 61% năm 2015. Trong số này, báo cáo cho thấy, nợ trực tiếp của Chính phủ ước tính ở mức 43,3% GDP (năm 2015), gần sát với mức bình quân của các quốc gia trong khu vực.

Điều đáng lo khác theo bà Vũ Hoàng Quyên, Chuyên gia kinh tế cao cấp WB là nợ của chính quyền địa phương. Khoản này hiện chưa lớn (0,9% GDP năm 2015) nhưng theo bà “tình hình căng thẳng hơn cả Trung ương.”

“Khi chúng tôi làm việc với Sở Tài chính các địa phương, thông tin cơ bản về vay nợ họ không nắm được, kể cả các nguồn như ODA, khoản cho vay lại… Đây là công tác cần đổi mới,” bà Quyên lên tiếng.

Nhìn lại số liệu nợ công, báo cáo chỉ ra lo ngại về việc, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất (tăng khoảng 10% trong 5 năm qua).

“Nếu xu hướng trên vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa,” báo cáo của WB và Bộ Tài chính nêu lên.

Nói thêm về cơ cấu nợ, đại diện WB cho rằng, do nhu cầu huy động ngày càng lớn, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nước ngoài đang dần hạn chế, Chính phủ đã phải dựa chủ yếu vào nguồn vay trong nước. Tỷ trọng nợ trong nước trên tổng nợ công tăng từ 45% năm 2010 lên 55,4% năm 2015.

Nợ trong nước theo đánh giá có thể giúp giảm rủi ro tỷ giá và góp phần phát triển các thị trường vốn trong nước nhưng vấn đề nêu lên với Việt Nam là áp lực huy động để đảo nợ vẫn còn lớn.

Theo tính toán của nhóm chuyên gia, có khoảng 50% nợ trong nước của Việt Nam sẽ đáo hạn trong 3 năm tới. Chưa chỉ ra cụ thể con số nhưng báo cáo cho thấy, kỳ hạn nợ trung bình của Việt Nam ngắn hơn các nước trong khu vực như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia,…

“Đây sẽ là áp lực rất lớn trong điều kiện các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu Chính phủ còn hạn chế như hiện nay,” đại diện WB lên tiếng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Lo nợ công vượt trần

Với những đánh giá ấy, báo cáo nêu lên thực tế, Việt Nam đang trong tình trạng dễ tổn thương với lộ trình nợ như hiện nay, ngay cả khi cân đối ngân sách cơ bản của Việt Nam vẫn được quản lý cẩn trọng.

Mặc dù vẫn trong ngưỡng Quốc hội đặt ra (dưới 65% GDP) nhưng báo cáo của WB và Bộ Tài chính chỉ ra, nếu bội chi ngân sách vẫn được duy trì như hiện nay, thì tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam sẽ tăng vượt trần. Trước đó, trong 2 năm liên tiếp 2015 và năm 2016, tỷ lệ bội chi đều vượt ngưỡng 5% GDP.

Đặc biệt, tổng kết từ phía các chuyên gia cho rằng, về nguyên tắc Chính phủ không có trách nhiệm trả nợ đối với các khoản vay của doanh nghiệp nếu không có bảo lãnh cụ thể. Tuy nhiên, thực tế Chính phủ có thể vẫn phải can thiệp trong trường hợp tình trạng mất khả năng trả nợ. Điều này gây ra những tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

“Công tác quản lý nợ của Chính phủ phải tính đến những rủi ro đó, đồng thời phải duy trì được dư địa ngân sách đủ để hấp thụ những cú sốc đó trong trường hợp diễn ra,” đại diện WB khuyến cáo.

Từ đó, nói về giải pháp, báo cáo cho rằng, việc thu thập thông tin cập nhật và đáng tin cậy về các nghĩa vụ nợ dự phòng tiềm ẩn phải là bước đi quan trọng đầu tiên.

Nhóm thực hiện báo cáo cũng cảnh báo Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng cho sự chuyển đổi khi nguồn vốn vay có tính chất ưu đãi (ODA) sẽ dần giảm xuống và nợ thương mại tăng lên. Vấn đề được nêu lên là chiến lược quản lý nợ trung hạn đã được Chính phủ thông qua nhưng gặp trở ngại do cơ cấu quản lý nợ bị phân tán.

Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính đã được giao nhiệm vụ là cơ quan quản lý nợ chính nhưng trong thực tế, một số hoạt động vẫn do các đơn vị khác thực hiện như Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Nhà nước. Chưa kể, chính trong Bộ Tài chính, nợ nước ngoài thuộc trách nhiệm của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại còn nợ trong nước do Kho bạc nhà nước và Vụ Ngân sách nhà nước quản lý.

“Hệ thống này được hình thành trong bối cảnh nợ nước ngoài chủ yếu có tính chất ưu đãi nhưng sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào nợ thương mại sẽ đặt ra những nhu cầu khác cho chức năng quản lý nợ,” báo cáo khuyến nghị.

Với địa phương, bà Vũ Hoàng Quyên, Chuyên gia kinh tế cao cấp WB góp thêm ý kiến, cần có bộ phận quản lý nợ tại các nơi. Đây là vấn đề theo bà vẫn hạn chế vì "quy định cứng" hiện tại là Sở Tài chính không có bộ phận quản lý nợ. Bởi vậy, theo bà, nhiều địa phương muốn thành lập cũng gặp khó.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính bày tỏ hy vọng có thể kiểm soát bội chi bình quân giai đoạn 2016-2020 ở mức 4% GDP. Điều cần làm theo ông là tái cơ cấu các khoản nợ, từ ngắn hạn sang dài hạn và siết chặt chi tiêu.

“Hy vọng trong 1 chu kỳ 5 năm hoặc cùng lắm là 2 chu kỳ 5 năm, ta có thể đưa nợ công về mức an toàn,” đại diện Bộ Tài chính nói./.

Xuân Dũng (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.