16/03/2016 3:21 PM
Một số ngân hàng công bố số liệu lợi nhuận “khủng” song theo các chuyên gia tài chính, có một phần lãi “ảo” hạch toán trên sổ sách. Điều cần được cảnh báo là hiện tượng các ngân hàng ghi nhận khoản lãi dự thu từ cho vay, mà thực tế chưa thu được và có thể mất trắng vì nợ xấu.
Tại hội thảo về thị trường tài chính ngày 14/3, các chuyên gia tài chính đã chỉ ra một nguy cơ rủi ro của hệ thống ngân hàng: trong các ngân hàng vừa tái cơ cấu tồn tại các khoản lãi dự thu tương đối lớn. Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận rất cao nhưng thực chất, có vài chục phần trăm chỉ là lãi ảo, chưa thu được.
Mối nguy lãi “ảo”
Theo ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, do chế độ hạch toán kế toán Việt Nam, các ngân hàng được ghi nhận khoản lãi dự thu (chưa thu được) vào lợi nhuận, dẫn tới số liệu tăng trưởng “ảo”. Thời gian qua, các ngân hàng công bố số lợi nhuận cả nghìn tỷ đồng, song phần lãi dự thu rất lớn, lên tới hàng chục phần trăm thì không phản ánh đúng lợi nhuận làm ra.
Ông Nguyễn Xuân Thành - chuyên gia kinh tế của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright bổ sung thêm, không chỉ ngân hàng yếu kém đang tái cơ cấu mà có nhiều nhà băng quy mô vừa trở lên cũng ghi nhận khoản lãi dự thu ngày càng “phình” ra, không phải lãi thật.
“Có hiện tượng một số ngân hàng liên tục phải huy động tiền gửi mới để trả lãi tiền gửi cũ vì lãi dự thu không thu được, ngân hàng chưa có tiền. Như vậy, lợi nhuận của ngân hàng chính là được ghi nhận từ nghiệp vụ mang tính kỹ thuật này. Trong khi vẫn phải tiếp tục xử lý nợ xấu thì làm sao giải quyết lãi dự thu này sẽ càng gây thêm áp lực trả lãi tiền gửi cho nhà băng”- Ông Thành nói.
Nhiều ngân hàng vẫn hạch toán lãi dự thu hàng chục nghìn tỷ mà thực tế chưa rõ khi nào mới thu được tiền thật?
Chuẩn mực kế toán Việt Nam quy định, ngân hàng cấp tín dụng cho một dự án cho vay trung dài hạn, vẫn đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động, chưa thể trả lãi và gốc… thì hạch toán vào thu nhập lãi (khoản lãi dự thu).
Trên thực tế, lãi dự thu có thể nhìn thấy rõ nhất ở những khoản tín dụng cấp cho dự án bất động sản, xây dựng, điện, cao su, cà phê… có thời gian vay vốn kéo dài 2-10 năm, thậm chí 15-20 năm. Đơn cử, báo cáo tài chính của một doanh nghiệp bất động sản ghi nhận khoản trả lãi vay ngân hàng năm 2013 là 18%/năm, sau đó, lãi suất vay giảm dần về 15%/năm, 13%/năm… Doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ xấu, giảm lãi song khả năng trả nợ vay vẫn còn khó khăn, điều này khiến cho ngân hàng đành phải ghi nhận vào khoản lãi dự thu.
Vị chuyên gia này cũng đặt nghi vấn về biên lợi nhuận từ hoạt động huy động vốn – cho vay. Đơn cử, năm 2015, lợi nhuận biên NIM của ngân hàng khoảng 2,74%, nhưng quy mô lãi dự thu tăng cao thì số NIM này có một phần “ảo”.
Do đó ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh, cần phải sớm cảnh báo sự nguy hiểm của lãi dự thu đối với hệ thống ngân hàng. Nhóm của ông Thành đã có nghiên cứu và đưa ra một báo cáo chi tiết về vấn đề này, có “điểm danh tính ngân hàng” nhưng do thông tin nhạy cảm, không thể công bố.
Nợ lãi tăng “chóng mặt”
Vậy quy mô lãi dự thu đã tăng trưởng nhanh như thế nào và đang “ẩn nấp” ở đâu trên báo cáo của các ngân hàng?
Tổng hợp báo cáo tài chính của các ngân hàng, Thời báo Kinh Doanh có thể “khoanh vùng” một số nhà băng có lãi dự thu đáng chú ý.
Sau khi hợp nhất 3 tổ chức, Ngân hàng TMC Sài Gòn – SCB đã phải vay tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước hơn 21.000 tỷ đồng để đảm bảo hoạt động kinh doanh. Khoản tái cấp vốn này được trả dần trong vài năm từ dòng tiền kinh doanh.
Điểm chú ý là, trên báo cáo tài chính quý 3/2015, SCB ghi nhận mục “Tài sản có khác” lên tới 51.960 tỷ đồng, chiếm hơn 18% tổng tài sản (tại ngày 30/09/2015). Trong đó, các khoản lãi và phí phải thu lên tới 30.924 tỷ đồng, các khoản phải thu là 20.868 tỷ đồng.
Tương tự, sau thời gian nhận sáp nhập Habubank, Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHB) cũng vất vả xử lý công nợ, tài chính được bàn giao nguyên trạng từ Habubank sang. Theo báo cáo, tại ngày 31/12/2015, giá trị Tài sản có khác của SHB là 19.006 tỷ đồng, chiếm 9,3% tổng tài sản. Nhưng các khoản lãi và phí phải thu là 8.848 tỷ đồng (tăng 28% so với năm 2014); giá trị Tài sản có khác trong mục này lên tới 8.387 tỷ đồng (tăng 41%).
Ngân hàng SHB đã phải tăng trích dự phòng rủi ro cho Tài sản có khác lên 70,6 tỷ đồng (năm 2014 dự phòng 52 tỷ đồng). Mặc dù cho vay tăng trưởng cao, đạt dư nợ 131.427 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế của SHB chỉ ở mức 811 tỷ đồng.
Tại Ngân hàng Sacombank, khoản mục Các tài sản có khác có tăng trưởng khá “bất thường”. Cụ thể, tại ngày 31/12/2015, tài sản có khác lên tới 44.315 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với đầu năm và chiếm 15% tổng tài sản. Trong đó, các khoản lãi và phí phải thu là 25.144 tỷ đồng, các khoản phải thu là 17.529 tỷ đồng.
Những bất thường này xuất hiện sau thời điểm Sacombank nhận sáp nhập Southernbank (ngày 1/10/2015). Hết năm 2015, lợi nhuận sau thuế của Sacombank bị sụt giảm mạnh, đạt 1.146 tỷ đồng, chỉ bằng 50% lợi nhuận của năm 2014.
Hiện, còn nhiều ngân hàng khác hạch toán khoản lãi dự thu lớn và đang “phình” lên rất đáng ngại. Theo quy định, ngân hàng phải thực hiện trích dự phòng rủi ro lãi dự thu hoặc lãi không thu được. Nói cách khác, quy mô lãi “ảo” càng tăng sẽ gây rủi ro như khối nợ xấu và đe doạ lợi nhuận nhà băng. Dòng tiền bị mắc kẹt trong lãi dự thu sẽ rất vất vả thu hồi, hoặc tình huống xấu nhất là mất trắng.
Thu Hằng (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.