02/11/2019 7:12 PM
Từ tháng 4, các đối tượng người Trung Quốc đã thực hiện khoảng 60.000 giao dịch cho vay trực tuyến với tổng số tiền 100 tỷ đồng. Đáng chú ý, lãi suất lên đến 1.600%/năm.

Vừa qua, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã phối hợp, chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM điều tra vụ án “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” do các đối tượng người Trung Quốc cùng đồng bọn thực hiện tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Qua điều tra, Bộ Công an xác định nhóm đối tượng này đã cho người dân vay với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 1.600%/năm. Tất cả giao dịch của người vay và người cho vay đều được thực hiện thông qua mạng Internet và điện thoại di động.

Theo đó, các đối tượng lập công ty tài chính, thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh và xây dựng các ứng dụng cho vay tiền trực tuyến như Vaytocdo, Moreloan, VD online...

Để được cho vay, người dùng phải điền đầy đủ thông tin cá nhân, cung cấp hình ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng. Đặc biệt, trong hợp đồng cho vay điện tử mà người dùng bắt buộc phải “đồng ý” có điều khoản “người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên máy điện thoại di động”.

Sau đó, người vay được nhân viên của đơn vị cho vay liên lạc, xác thực lại thông tin. Như vậy, người cho vay và người vay không cần gặp mặt mà chỉ qua vài phút đồng hồ, giao dịch cho vay đã hoàn tất.

Trong đó, trên ứng dụng “Vaytocdo”, người vay lần đầu chỉ được vay 1.700.000 đồng nhưng thực nhận là 1.428.000 đồng, số tiền 272.000 đồng còn lại được xác nhận là phí dịch vụ. Trong 8 ngày, người vay phải trả tổng cộng 2.040.000 đồng (gồm 1.700.000 đồng tiền gốc và 340.000 tiền lãi). Nếu chậm trễ, người vay bị phạt 102.000 đồng/ngày.

Còn đối với ứng dụng “Moreloan” và “VD online”, người vay lần đầu được duyệt vay số tiền tối đa 1.500.000 đồng. Nhưng tương tự, số tiền thực nhận là 900.000 đồng, sau khi đã trừ đi 600.000 đồng phí dịch vụ và tiền lãi trong 7 ngày. Sau 7 ngày, người vay phải trả 1.500.000 đồng khoản vay gốc, nếu không sẽ bị phạt từ 2-5%/ngày.

Đáng chú ý, nhân viên phía cho vay liên tục gọi điện thoại nhắc nhở người vay trả nợ đúng hạn. Thậm chí sau nhiều ngày chậm trễ, những đối tượng này còn gọi “khủng bố” tất cả những người trong danh bạ điện thoại của người vay (gồm gia đình, bạn bè, đồng nghiệp...) nhằm đe dọa, chửi bới và yêu cầu họ tác động.

Cơ quan Công an xác định từ tháng 4 đến khi bị phát hiện, ngăn chặn và xử lý, nhóm này đã thực hiện khoảng 60.000 giao dịch vay tiền qua 3 ứng dụng kể trên. Tổng số tiền cho vay khoảng 100 tỷ đồng.

Bộ Công an nhận định đây là hoạt động “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao, ẩn dưới dạng cho vay trực tuyến. Với lãi suất cao và các chiêu thức đòi nợ nguy hiểm, hình thức này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người vay và người cho vay.

Do đó, Bộ khuyến cáo người dân tìm đến các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương hoặc trực tiếp đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng tin cậy để được hỗ trợ khi gặp khó khăn tài chính, đồng thời cảnh giác cao với vay tiền qua các ứng dụng trên mạng Internet.

Lan Anh (Zing news)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.