Tình
trạng người dân TPHCM và Hà Nội đổ xô mua vàng những ngày qua một lần
nữa cho thấy vàng là kênh đầu tư được lựa chọn. Tuy nhiên, chơi vàng coi
chừng có ngày “phỏng” tay…
“Tranh” mua vàng
Ngày
29-11, giá vàng trong nước dao động quanh mốc 44,9 triệu đồng/lượng
(bán ra). Thị trường vàng trở nên kém sôi động hẳn so với những ngày
trước đó. Tuy nhiên, giao dịch vàng miếng vẫn chủ yếu là người mua,
không có người bán.
Trước
đó, liên tiếp trong hai ngày 23 và 24-11, người dân TPHCM kéo nhau đi
mua vàng khi Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) bất ngờ giảm giá vàng
miếng về mốc 44,5 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm gần 1 triệu
đồng/lượng so với ngày trước đó. Chỉ trong ngày 24-11, lượng vàng SJC
bán ra lên đến hơn 20.000 lượng, nằm trong “top” các ngày bán vàng cao
nhất từ đầu năm đến nay.
Các chuyên gia kinh tế khuyên không nên rút tiền tiết kiệm để mua vàng
Qua ngày 25-11,
lượng người đến mua vàng không còn đông như trước nhưng giao dịch vẫn
khá sôi động khi vàng tiếp tục ở vùng 44,5 triệu đồng/lượng. Lực mua quá
đông, SJC buộc phải dán bảng thông báo rằng một số ngân hàng khác như
Eximbank, ACB, Techcombank… cũng bán vàng SJC ngang giá.
Nhưng
tâm lý “quen đâu mua đó” khiến tình trạng xếp hàng mua vàng vẫn chỉ xảy
ra ở SJC. Nếu tính sòng phẳng, những người xếp hàng chờ đợi hàng giờ ở
trụ sở SJC ngày 23-11 đã bị thiệt so với những người đến mua hai ngày
sau. Chẳng hạn, trưa 23-11, khi lực mua tăng mạnh, SJC đã nâng giá vàng
từ 44,5 triệu đồng/lượng lên 45,1 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng
600.000 đồng/lượng. Mức này được giữ nguyên cho đến gần cuối ngày mới
lùi về 44,8 triệu đồng/lượng.
Sang
24-11, giá vàng lùi sâu về 44,4 triệu đồng/lượng bán ra, mua vào chỉ
còn 44,1 triệu đồng/lượng. Như vậy những người mua vàng trễ một ngày lại
“lợi” đến 700.000 đồng/lượng dù giá thế giới trong hai ngày không biến
động nhiều. Đến hôm qua, 29-11, giá vàng tiếp tục dao động quanh 44,9
triệu đồng/lượng, vẫn thấp hơn so với giá 45,1 triệu đồng/lượng trong
ngày 23-11.
Rủi ro cao
Các
chuyên gia kinh tế vẫn cảnh báo người dân phải cẩn trọng, không nên
“hùa” vào tranh mua vàng. Thế nhưng tình trạng xếp hàng mua vàng cứ tái
diễn. Không ít người rút tiền gửi ngân hàng về mua vàng để dưới “gầm
giường” biến thành dòng tiền “chết” không lưu thông vào kinh tế. Nếu giá
vàng không biến động mạnh theo kỳ vọng của người dân thì điều đó đồng
nghĩa với việc họ đang bị lỗ.
Đợt
tháng 8, 9, khi các cơn sốt vàng liên tục xảy ra, người dân cũng đổ xô
đi mua vàng dù giá lên cao đến 48 - 49 triệu đồng/lượng. Vài ngày sau,
chưa kịp thấy “giá vàng sẽ lên 50 triệu đồng/lượng để bán ra” như nhiều
người mong đợi thì ngược lại, vàng lao dốc xuống mốc 45 - 46 triệu
đồng/lượng rồi “đứng im” cả tháng trời. Những người xếp hàng mua vàng
trong cơn “bão giá” lúc đó đã lỗ nặng!
Ông
Nguyễn Công Tường, Phó Phòng Kinh doanh SJC, nhấn mạnh mức giá 44 - 45
triệu đồng/lượng chưa phải là mức giá thấp để người dân đổ xô đi mua.
Bằng chứng là giá thế giới những ngày qua liên tục lình xình quanh
ngưỡng 1.700 USD/ounce. Thông thường, nếu vượt qua mức cản này, giá vàng
có thể tăng mạnh.
Thế
nhưng hôm qua, giá vàng tiếp tục dao động quanh ngưỡng cản 1.700
USD/ounce, giảm hơn 35 USD/ounce so với một tuần trước. “Nhiều khả năng
giá vàng thế giới sẽ giảm sâu hơn khi các nhà đầu tư quốc tế lo lắng về
tình hình kinh tế ở khu vực châu Âu. Khi đó, giá vàng trong nước sẽ theo
giá thế giới đi xuống” - đại diện SJC nhận định.