01/05/2017 7:22 AM
CafeLand –Viettin Real, VPReal, Techcomreal,… nghe qua những cái tên này, nhiều người dễ cho rằng đó là những công ty con hoặc có mối quan hệ nào đó thân thiết với các ngân hàng đã khá nổi tiếng là VietinBank, VPBank hay Techcombank. Trên thực tế, theo tìm hiểu của chúng tôi những sàn giao dịch bất động sản này hầu hết lại không có liên quan đến các ngân hàng này.

Tên một đằng, quan hệ một nẻo

Nói đến Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đa số ai cũng biết đó là một trong những ngân hàng thương mại Nhà nước thuộc top đầu trên thị trường, trong khi đó, không ít người còn ngờ ngợ với cái tên Công ty CP Đầu tư Việt Tin (Viettin Real). Một số người cho rằng đây là công ty thành viên của VietinBank hoặc ngân hàng này góp vốn để kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, theo thông tin từ VietinBank, ngân hàng khẳng định hoàn toàn không dính dáng gì đến công ty này.

Tương tự, VPReals cũng rất giống với tên VPBank của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng không chỉ về cách phát âm mà cả biểu tượng logo. Biểu tượng của VPBank có màu xanh lá kết hợp màu đỏ, tượng trưng cho đôi bàn tay nâng đỡ ước mơ thì màu của VPReal cũng giống về màu sắc, chỉ khác biểu tượng đôi bàn tay là giống với hình bông sen. Dù vậy, giữa hai doanh nghiệp này có mối quan hệ góp vốn đầu tư hay không vẫn rất khó xác định.

Theo thông tin công bố trên trang web VPBank, ngân hàng này hiện có 3 đơn vị thành viên là VPBank Securities, VPBank AMC và VPBank Finance mà không hề có bất cứ thông tin nào nhắc đến cái tên VPReals.

Trên trang web của VPReals thì giới thiệu, công ty “được thành lập bởi những tiền bối đầy kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, phân phối các dự án bất động sản Tp.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Phan Thiết, Bà Rịa Vũng Tàu”…

Thông tin trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lại cho biết, VPReals thực chất là một công ty đa ngành, hoạt động trên gần 30 lĩnh vực khác nhau. Trong đó, ngành nghề chính là kinh doanh và môi giới bất động sản. Công ty này cũng chỉ mới thành lập vào cuối tháng 3/2016, tức là mới được khoảng 1 năm.

Cũng khá bất ngờ khi cùng có nhiều công ty tên là Techcomreal và cùng hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản. Trong đó, được thị trường biết nhiều nhất là Công ty CP Bất động sản Techcomreal. Tuy nhiên, thông tin trên truyền thông cũng cho biết đại diện công ty này từng tuyên bố công ty ông không có quan hệ gì với Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).

Theo báo cáo thường niên của Techcombank, tính đến ngày 31/12/2016 ngân hàng có 4 công ty con. Tuy nhiên, những công ty này hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, quản lý nợ - khai thác tài sản, quản lý quỹ và tài chính-tín dụng. Bên cạnh đó, trong 8 công ty mà ngân hàng góp vốn đầu tư cũng không có tên Techcomreal.

Ngoài ra, không chỉ “bắt chước” theo tên gọi của các ngân hàng, rất nhiều công ty môi giới bất động sản khác còn thấy sang bắt quàng làm họ, đặt tên giống với với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài ngành khác.

Cố tình gây hiểu nhầm?

Theo giới đầu tư và các chuyên gia trong ngành, điểm chung của các công ty kinh doanh, môi giới bất động sản có tên na ná này là hầu hết thời gian thành lập còn non trẻ, quy mô hoạt động còn hạn chế và chưa xây dựng được thương hiệu mạnh như các doanh nghiệp mà họ đặt tên cho gần giống.

Đại diện một doanh nghiệp đầu tư bất động sản lớn ở Tp.HCM cho rằng, việc các đơn vị kinh doanh mà hầu hết là các công ty môi giới bất động sản đặt tên ăn theo các công ty, thương hiệu lớn chủ yếu chỉ để phục vụ cho mục đích về thương hiệu, dễ dàng kinh doanh hơn hay thậm chí để khuếch trương cho mình lớn hơn. Điều này dẫn đến dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi thực hiện giao dịch.

Trên thực tế, đây không phải là những trường hợp cá biệt, mà việc đặt tên công ty gây nhầm lẫn, chiếm đoạt thương hiệu dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp thương hiệu… đang xảy ra khá phổ biến.

Nguyên nhân là các doanh nghiệp đặt tên công ty mình nhưng lại quên đi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và bị người khác “đánh cắp”. Bên cạnh đó, nếu chưa đăng ký thì đây chỉ là vấn đề đạo đức kinh doanh, pháp luật cũng không cấm được. Do đó nhiều công ty nhỏ “ăn theo” mà không sợ bị xử lý.

Để hạn chế tranh chấp, nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp nên sử dụng biện pháp bảo hộ. Còn đối với người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ thông tin trước khi giao dịch để tránh nhầm lẫn và rủi ro.

Thịnh Châu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.