04/01/2017 4:51 PM
Trong bối cảnh ngân sách dự kiến chỉ có thể đáp ứng được khoảng 11% nhu cầu, khoảng 1.039 nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) giai đoạn 2016 - 2020 thì sự tham gia của tư nhân vào lĩnh vực này là tất yếu. Tuy nhiên, để KCHTGT phát triển nhanh mạnh hơn nữa thì khâu đột phá này cần tiếp tục có những giải pháp đột phá.
Đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang: Ảnh: TL
Xã hội hóa đầu tư vào các dự án giao thông “huyết mạch”
Trên cơ sở thực trạng KCHTGT và kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển KCHTGT giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 1.039 nghìn tỷ đồng cho các dự án do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trực tiếp quản lý.
Theo dự kiến, ngân sách chỉ có thể đáp ứng được khoảng 11% nhu cầu, nguồn vốn ODA đang thu hẹp, nợ công đang ở mức cao. Để phát triển KCHTGT đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đó thì giải pháp đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là sự tham gia của tư nhân vào lĩnh vực này là tất yếu.
Theo thống kê, tổng vốn cho đầu tư phát triển KCHTGT được giải ngân trong giai đoạn 5 năm qua, đạt khoảng 379.213 tỷ đồng, trong đó giải ngân vốn tư nhân 121.833 tỷ đồng (chiếm 32,13%) và giải ngân vốn Nhà nước 257.380 tỷ đồng (chiếm 67,87%).
Trong giai đoạn này, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng để đầu tư 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT (hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và BT (58 dự án BOT với tổng mức đầu tư 170.355 tỷ đồng và 4 dự án BT với tổng mức đầu tư 16.305 tỷ đồng); trong đó, lĩnh vực đường bộ 58 dự án với tổng mức đầu tư là 185.070 tỷ đồng (chiếm 99,15%). Hiện triển khai đầu tư 34 dự án đường bộ với khoảng 110.494 tỷ đồng...
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Hữu Oanh
Bộ GTVT đánh giá, các dự án triển khai chủ yếu theo hình thức BOT do hành lang pháp lý (Nghị định số 108/2009/NĐ-CP) chỉ mới quy định 3 hình thức BOT, BTO và BT. Trong khi đó, hình thức BTO không phù hợp với đặc thù ngành GTVT.
Còn hình thức BT (chỉ chiếm 8,7% trong tổng số vốn huy động được) về bản chất là đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước trả chậm trong khi ngân sách Nhà nước hạn hẹp. Hình thức đầu tư BOT có lợi thế hơn là không hoặc ít sử dụng ngân sách Nhà nước (chỉ sử dụng để hỗ trợ dự án khả thi về tài chính), chủ yếu hoàn vốn cho nhà đầu tư thông qua kinh doanh công trình dự án.
Kết quả tính toán của tư vấn cho thấy, lợi ích kinh tế - xã hội do dự án BOT, BT mang lại là rất lớn. Khi các dự án đưa vào khai thác sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành khai thác. Có thể kể đến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, ước tính giảm 50% thời gian đi lại; quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Vinh giảm khoảng 30% thời gian đi lại... Ngoài ra, chưa kể đến các lợi ích khó định lượng được như giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân...
Cần nghiên cứu mô hình BOT kiểu mới
Theo ý kiến của các nhà đầu tư, hiện nay mô hình dự án BOT kiểu mới đã được một số nước phát triển áp dụng. Theo đó, các cơ quan tham mưu cho Bộ GTVT tính toán thật kĩ với một con đường cụ thể với tổng mức đầu tư dự kiến, số năm thu phí, đưa ra các tiêu chí kĩ thuật... cho các hồ sơ thầu, như: Cơ chế đấu giá, nhà đầu tư nào bỏ ít năm thu phí nhất, tổng mức đầu tư thấp nhất với chất lượng tốt nhất thì được trúng thầu. Trong quá trình đầu tư, nếu có sai phạm thì đã có cơ quan thanh tra, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xử lý.
Nếu làm được điều này, sẽ vừa giảm đáng kể được các khâu thủ tục hành chính và bộ máy theo dõi, quản lý. Nhà đầu tư nếu làm không tốt, chất lượng không đạt khi bảo trì, duy tu bảo dưỡng hoặc thậm chí phải làm lại thì mất rất nhiều thời gian và chi phí sẽ tốn kém hơn so với làm chất lượng tốt từ đầu. Mô hình này cũng sẽ không còn “đất’ cho việc “xin - cho” mà công khai, minh bạch mọi thứ. Do vậy, các nhà đầu tư rất ủng hộ bởi nó giúp cạnh tranh công khai về chất lượng, tiến độ, về giá, thời gian thu phí...
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Việt Hà
Thậm chí, nếu thực hiện được cơ chế này, thay vì tổng mức đầu tư theo tính toán khả thi với 1 con đường ví dụ khoảng 2.000 tỷ đồng thì nhà đầu tư có thể đầu tư tới 2.500 tỷ đồng để con đường có chất lượng vĩnh viễn, bổ sung thêm các chất phụ gia hàng đầu thế giới, chất chống trơn trượt... mà theo tính toán phải đến 6 năm không cần bảo trì.
Đáng nói hơn, vấn đề quản lý đường, giám sát xe quá tải sẽ được nhà đầu tư phối hợp với các cơ quan chức năng “lo” bảo vệ đường nghiêm ngặt vì họ không thể và không bao giờ muốn nhận hối lộ 1 đồng mà nhận lại thiệt hại hàng 100 đồng khi đường bị hỏng.
“Với sự tham gia góp vốn của các nhà đầu tư theo các hợp đồng BOT thì việc huy động nguồn tài chính đã là rất vất vả, vì vậy cần tạo cơ chế đột phá hơn nữa để nhiều nhà đầu tư tham gia vào đầu tư các dự án phát triển KCHTGT đường bộ.
Với sự đóng góp của dự án BOT trong thời gian qua đặc biệt là với các tuyến giao thông đường bộ huyết mạch như quốc lộ 1, các tuyến đường cao tốc hoàn toàn mới thì ngành GTVT cần có cơ chế thuận lợi và đột phá hơn nữa để tiếp tục phát triển các dự án BOT về vùng sâu, vùng xa, để giúp kéo gần khoảng cách giữa các vùng miền để giúp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở những vùng khó khăn hơn” - một nhà đầu tư nhấn mạnh.

Theo Bộ GTVT, giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến sẽ đầu tư hoàn thành khoảng 1.524 km hệ thống đường cao tốc để đến hết năm 2020 sẽ có khoảng 2.270 km đường cao tốc. Trong đó, đang triển khai thi công 9 dự án với chiều dài 515,8 km... Trong khi đó, theo quy hoạch, hệ thống quốc lộ còn lại cần tiếp tục đầu tư vào cấp là 7.215 km.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, do nhu cầu nguồn lực còn hạn chế, chỉ nghiên cứu đưa vào danh mục đầu tư các tuyến quốc lộ quan trọng có nhu cầu giao thông lớn, có vai trò tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng với chiều dài khoảng 3.600 km. Các đoạn tuyến còn lại sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư vào cấp trong các giai đoạn tiếp theo.

Chủ đề: Các dự án BT, BOT
Hữu Oanh (Thanh tra)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.