04/08/2010 4:52 AM
Tính từ đầu tháng 7 đến ngày 16.7, NHNN bơm ròng cho các ngân hàng khoảng hơn 5.100 tỉ đồng xong vẫn chưa thể làm giảm “cơn khát” vốn của các ngân hàng thương mại.
Cần tăng bơm vốn

Phiên phát hành trái phiếu chính phủ vào ngày 22.7 đã không thành công với trần lãi suất đối với trái phiếu kỳ hạn ba năm là 9,7%/năm và kỳ hạn năm năm là 10,1%/năm. Một dấu hiệu cho thấy lãi suất khó giảm thêm.

Đây là phiên bảo lãnh phát hành diễn ra không thành công đầu tiên kể từ tháng 4 và cho thấy các ngân hàng không muốn đặt lãi suất đấu thầu ở hoặc dưới mức 10% cho các kỳ hạn trung.

Trái phiếu đã hút tiền

Nguyên nhân không thành công trong những các phiên đấu giá trái phiếu gần đây do lãi suất chỉ ở mức 10.3%. Trong phiên đấu thầu trái phiếu kỳ hạn năm năm diễn ra vào ngày 15.7, tỷ lệ đấu thầu thành công chỉ là 36,7% do các ngân hàng đã bỏ thầu một cách hết sức thận trọng do trần lãi suất chỉ ở mức 10,3%. Đó cũng là nguyên nhân không thành công của phiên bảo lãnh phát hành trái phiếu ngày 22.7.

Tuy nhiên, nếu như kế hoạch phát hành trái phiếu trong quý 3/2010 của bộ Tài chính không thay đổi thì lợi suất sẽ không thể tiếp tục giảm. Và lợi suất trái phiếu cao là cái “đập” ngăn lãi suất thị trường giảm như mong muốn của Chính phủ. Cho tới nay, bộ Tài chính đã phát hành 38.800 tỉ đồng trái phiếu, tương đương 38,8% kế hoạch đề ra cho năm nay.

Trước đó, việc phát hành trái phiếu thành công với lãi suất giảm dần, được các chuyên gia cho là một cơ sở để mặt bằng lãi suất giảm xuống. Ở thị trường thứ cấp (mua bán lại trái phiếu sau phát hành lần đầu) cũng sôi động. Nếu như nửa đầu tháng 6, giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp không vượt quá 1.700 tỉ đồng thì hai tuần cuối tháng 6, giá trị giao dịch đã tăng lên trên 4.400 tỉ đồng/tuần.

Sự sôi động của thị trường trái phiếu cho thấy sự thanh khoản dồi dào của hệ thống ngân hàng sau gần bốn tháng bơm tiền ròng của ngân hàng Nhà nước (NHNN) kể từ tháng 4.2010, với tổng lượng tiền bơm ròng đạt 23.800 tỉ đồng. Số tiền này, một phần được đưa vào thị trường trái phiếu, thay vì nguồn vốn giá rẻ này được dùng để cho vay doanh nghiệp, lý giải vì sao lãi suất giảm chậm suốt thời gian qua.

Cần tăng bơm vốn

Tính từ đầu tháng 7 đến ngày 16.7, NHNN bơm ròng cho các ngân hàng khoảng hơn 5.100 tỉ đồng. Chỉ riêng trong sáu phiên đấu thầu giấy tờ có giá trong ba ngày 19.7, 21.7 và 22.7, tổng khối lượng giấy tờ có giá hạn ngắn 7 – 14 ngày NHNN mua vào lên đến gần 35.000 tỉ đồng. Cùng với việc bơm ròng tiền này, trên thực tế, trên thị trường đã có những dấu hiệu cho thấy lãi suất huy động đang giảm với lãi suất huy động bình quân hiện tại ở mức 11,2%/năm.

Tuy nhiên, sau khi liên tiếp bơm tiền ra thị trường, NHNN đã rút 258 tỉ đồng ra khỏi hệ thống trong tuần thứ ba của tháng 7. Tuy nhiên, lượng tiền rút ra này không quá lớn để có thể làm cơ sở phán đoán định hướng của NHNN trong những tuần tới. Các ngân hàng trong nước cho rằng nếu xu hướng này tiếp diễn thì lợi nhuận của ngân hàng từ hoạt động cho vay sẽ giảm và sẽ dẫn đến việc vốn sẽ chảy từ ngân hàng sang các kênh đầu tư khác.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, lượng tiền này vẫn chưa thể làm giảm “cơn khát” vốn của các ngân hàng thương mại.

Trên thực tế, các ngân hàng thật sự cần vốn ngắn hạn, nhất là kỳ hạn bảy và 14 ngày. Điều này thể hiện rất rõ qua giá trị giao dịch hàng ngày của các ngân hàng thương mại trên thị trường mở. Tuần thứ ba trong tháng 7, tổng lượng tiền chào thầu trên thị trường mở của NHNN là khá cao, đạt 61.000 tỉ đồng, tăng 3.000 tỉ đồng so với tuần trước đó, tỷ lệ vốn chào thầu so với vốn đăng ký đấu thầu giảm xuống 60,7% trong tuần trước so với mức 73% của tuần trước đó. Điều này là do lượng vốn đăng ký đấu thầu tăng 27,6%, lên mức 101.000 tỉ đồng trong tuần thứ ba của tháng 7 từ 79.400 tỉ đồng trong tuần trước đó.

Các ngân hàng đã tích cực đăng ký đấu thầu vốn kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày. Đối với kỳ hạn 14 ngày, trong tuần thứ ba của tháng 7, giá trị vốn đăng ký lên 68.000 tỉ đồng, tăng 32% so với tuần trước. Giá trị giao dịch thành công đạt 13.600 tỉ đồng trong tuần thứ hai của tháng 7, tăng 3.300 tỉ đồng so với mức 10.300 tỉ đồng của tuần trước đó. Nếu nhu cầu vốn ngắn hạn của các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng, thì điều này sẽ khiến lãi suất ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng tăng trong tương lai gần, đặc biệt là đối với vốn kỳ hạn 7 – 14 ngày.

Từ những con số này cho thấy, nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng gần đây tăng trong khi cho tới nay NHNN vẫn không muốn tăng quy mô vốn chào thầu qua thị trường mở. Nếu điều này còn tiếp diễn thì nhu cầu vốn không được đáp ứng sẽ tìm đến với thị trường liên ngân hàng, khiến lãi suất kỳ hạn ngắn tăng, đặc biệt là lãi suất qua đêm.

“Thị trường có vẻ như đang báo hiệu cho việc lãi suất sẽ tăng nhẹ trong tương lai và hiện tại với nhu cầu thanh khoản tăng lên thì NHNN sẽ phải lựa chọn giữa một bên là đáp ứng nhu cầu tăng lên này qua thị trường mở để tiếp tục duy trì lãi suất thấp và ổn định, và một bên là để cho lãi suất thị trường tăng”, ông Nguyễn Tấn Thắng, chuyên gia kinh tế, trưởng phòng nghiên cứu trái phiếu, công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) nhận định.

Cafeland.vn
theo SGTT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.