Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS - tại phiên họp Ban chỉ đạo ngày 9.8 nhằm kiểm điểm tình hình thực hiện các chương trình nhà ở trọng điểm, tình hình chung thị trường BĐS và kết quả triển khai Nghị quyết 02 của Chính phủ.

Ban chỉ đạo Trung ương họp về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản.

Nhà ở xã hội: Chậm và vướng

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, từ năm 2009 đến nay với chương trình nhà ở xã hội (NƠXH) dành cho người thu nhập thấp đã có 34 dự án với 18.850 căn hộ có tổng mức đầu tư 5.920 tỉ đồng được hoàn thành. Hiện đang tiếp tục triển khai 32 dự án, quy mô xây dựng 19.550 căn, tổng mức đầu tư 8.580 tỉ đồng. Đối với đối tượng công nhân đã có 62 dự án được hoàn thành, quy mô 12.500 căn hộ, đang tiếp tục triển khai 39 dự án với 27.500 căn hộ có tổng mức đầu tư 6.800 tỉ đồng.

Tại Hà Nội, đã có 8 dự án dành cho người thu nhập thấp hoàn thành và đang triển khai tiếp 5 dự án với khoảng 5.500 căn hộ. Tuy nhiên, chỉ có 2 dự án nhà dành cho công nhân KCN được đưa vào sử dụng, 4 dự án khác vẫn đang triển khai. Còn ở TPHCM mới có 1 dự án dành cho người thu nhập thấp hoàn thành, song so với Hà Nội, tiến độ triển khai nhà ở cho công nhân khá hơn với 10 dự án được hoàn thành và 7 dự án nhà cho công nhân khác đang tiếp tục được triển khai xây dựng.

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, chương trình xây nhà ở cho công nhân KCN đang gặp nhiều vướng mắc khó khăn. Thứ nhất, lượng công nhân làm việc trong các KCN rất lớn, thu nhập bình quân thấp. Theo số liệu điều tra của Viện Lao động Xã hội năm 2011, có tới 25% công nhân tại các KCN có mức thu nhập dưới 2 triệu đồng/tháng và chỉ có 9% có thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng. Thứ hai, cơ chế chính sách thu hút DN tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân KCN không đủ hấp dẫn, ví dụ như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuế trong năm 2009, khả năng tiếp cận vốn vay tín dụng và các nguồn tài chính ưu đãi khác còn nhiều khó khăn.

Gói 30.000 tỉ: 2 tháng mới có 2 DN được vay

Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ và triển khai gói tín dụng 30 ngàn tỉ, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, tính đến 15.7, đã có 50 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại (NƠTM) sang NƠXH với quy mô khoảng 34 ngàn căn hộ; 22 dự án xin chuyển cơ cấu căn hộ với quy mô từ 6.000 căn hộ lên 8.320 căn hộ. Tốc độ chuyển đổi dự án từ NƠTM sang NƠXH còn chậm, đến tháng 5.2013 mới có 11 dự án NƠXH được động thổ, trong đó riêng Hà Nội là 4 dự án.

Đối với giải ngân gói tín dụng 30 ngàn tỉ, Bộ Xây dựng đã giới thiệu sang NHNN 50 dự án với tổng số tiền vay 9.000 tỉ đang đợi các ngân hàng xét duyệt. Hiện đã chấp thuận cho vay 2 dự án tại Huế và TPHCM là 657 tỉ đồng, giải ngân 34 tỉ đồng. Đối với đối tượng vay là hộ gia đình, cá nhân thì các ngân hàng đã tiếp nhận khoảng 300 hồ sơ, cam kết cho vay 150 trường hợp với số tiền 46 tỉ đồng và đã giải ngân cho 139 trường hợp với số tiền 33,46 tỉ đồng.

Lý giải cho việc tập trung cho vay dự án, ông Nam cho rằng, thời gian đầu thị trường đang thiếu nguồn cung nên tín dụng chủ yếu cho các chủ đầu tư vay để nhanh chóng có sản phẩm đưa ra thị trường. Giai đoạn tiếp theo giải ngân vốn sẽ tập trung cho phía cầu là cá nhân, hộ gia đình. “Bộ Xây dựng và NHNN thường xuyên họp để giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai. Cũng không có chuyện ưu đãi cho DN vay vốn, bởi cơ cấu cho vay đã được xác định từ trước, hạn mức dành cho chủ đầu tư là cố định” - Thứ trưởng Nam nói.

“Để kêu gọi được DN đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân cần có cơ chế chính sách thiết thực hơn. Các DN xây nhà ở cho công nhân muốn có nguồn vốn vay dài hạn, phải từ 10-20 năm và lãi suất đủ thấp ít nhất bằng lãi suất ưu đãi của gói tín dụng 30 ngàn tỉ. Bởi xây nhà ở cho công nhân thời gian thu hồi vốn đầu tư là rất lâu.

Bên cạnh đó vấn đề quỹ đất sạch vẫn đang là rào cản lớn, hay vấn đề đầu tư hạ tầng xã hội đi kèm với nhà ở của công nhân DN chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Một vấn đề khá quan trọng là thiết kế nhà ở cho công nhân ở nhiều KCN bất hợp lý như không có khu bếp, khu vệ sinh riêng. Vì thế dù chi phí cao hơn nhưng công nhân vẫn bỏ ra ngoài để thuê ở”. (Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN – thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về nhà ở)
Thanh Sơn (Báo Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.