CafeLand - Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện công tác phòng chống rửa tiền, đối với giao dịch bất động sản từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo về Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mang tính cục bộ, thiếu tổng thể, do đó cần một quy định khác cao hơn.

Theo nhiều chuyên gia, không thể phủ nhận nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là rất lớn. Việc Bộ Xây dựng yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện công tác phòng chống rửa tiền mang tính tích cực, tốt cho thị trường.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, quy định này chỉ hạn chế được một phần và không có tình bao trùm.

Trao đổi với CafeLand, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, quy định này chỉ mang tính cục bô, thiếu tổng thế. Theo ông, hiện nay áp dụng quy định mua bán bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng là chuẩn nhất, bao trùm lên quy định mà Bộ Xây dựng đưa ra, áp dụng cho mọi đối tượng.

“Mua bán nhà đất luôn có giá trị lớn, do đó cần thanh toán qua ngân hàng để tăng tính an toàn cho người mua và bán trong giao dịch, đảm bảo tính minh bạch, thực hiện được chủ trương lớn của Nhà nước về thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời phòng chống rửa tiền và phục vụ công tác thống kê. Điều này hoàn toàn hợp lý”, ông Hiển bình luận.

Đối với quy định báo cáo giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên, ông Hiển cho rằng làm như vậy vừa làm phiền doanh nghệp vừa không đồng bộ.

“Phải có một quy định cao hơn quy định này. Vì giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo chỉ hạn chế được một phần. Nếu đã rửa tiền thì có nhiều cách để thực hiện, không nhất thiết phải qua doanh nghiệp bất động sản”, ông Hiển đề xuất.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, quy định giao dịch bất động sản từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cao vừa làm phiền doanh nghệp vừa không đồng bộ.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng việc thực hiện công tác phòng chống rửa tiền là quy định bắt buộc đối với các doanh nghiệp bất động sản. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có chế tài đối với các hoạt động của những người làm môi giới, dịch vụ nếu không tuân thủ quy định pháp luật, trong đó có quy định chống rửa tiền.

“Tuy nhiên, việc thực hiện của các doanh nghiệp như thế nào thì lại là chuyện khác”, ông Đính nói.

Mặt khác, theo ông Đính, để phát hiện ra hành vi rửa tiền trong các giao dịch bất động sản cũng không hề đơn giản, bởi các giao dịch mua bán ở Việt Nam vẫn chủ yếu dùng tiền mặt, chưa bắt buộc giao dịch phải thông qua ngân hàng.

Trong khi đó, nếu giao dịch bằng tiền mặt sẽ không thể phát hiện được nguồn gốc của số tiền đó. Việc phát hiện rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố trong các giao dịch bất động sản của môi giới, sàn giao dịch để báo cáo kịp thời lên sở xây dựng là khó khả thi.

Tại Hội nghị Ban chấp hành VNREA lần thứ III nhiệm kỳ IV mới đây, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cho rằng quy định như vậy là không phù hợp, vì ngay cả mua nhà xã hội cũng nhiều hơn 300 triệu đồng.

“Một người nghèo vay mượn tiền của người thân mua căn nhà nhỏ cũng phải báo cáo? Người thu nhập thấp cũng phải báo cáo thì không phù hợp. Đề nghị Bộ Xây dựng kiến nghị để sửa đổi quy định này”, ông Nam nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, cho biết có ý kiến cho rằng quy định phải báo cáo các giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên là giấy phép con của Bộ Xây dựng. Theo ông, nói như vậy là hiểu sai vì quy định này đã được ban hành từ nhiều năm, nằm trong quy định về phòng chống rửa tiền và không do Bộ Xây dựng ban hành.

Trước đó, Bộ Xây dựng có công văn gửi sở xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Bộ Xây dựng đề nghị Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới và các sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động tại các địa phương phải thực hiện các quy định về nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng, rà soát các giao dịch.

Các doanh nghiệp phải ban hành và thực hiện quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật, rồi gửi quy định nội bộ về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) và Cục phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) trước ngày 1/8/2019.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải thực hiện các quy định về nhận biết khách hàng, áp dụng biện pháp tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao, phân công cán bộ thực hiện phòng, chống rửa tiền, lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên, đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố về các giao dịch bất động sản, gửi kết quả về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Cục Phòng, chống rửa tiền trước ngày 1/9/2019.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.