Condotel là sản phẩm bất động sản nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trong năm 2017. Theo thống kê, năm 2017 có tới 60% lượng tiền đổ vào condotel trong tổng số đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, chính sách pháp lý liên quan đến loại hình bất động sản này vẫn là vấn đề lớn khiến nhiều người băn khoăn, không biết có nên đầu tư hay không?
Băn khoăn khái niệm condotel
Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng - ông Nguyễn Mạnh Khởi đặt vấn đề: Bản thân condotel là một từ Anh hóa trong pháp luật Việt Nam, từ đó phát sinh vấn đề loại hình bất động sản này mang tính chất gì, sẽ được quản lý thế nào?
Theo ông Khởi, hiện nay đang có 2 luồng quan điểm về condotel, một là coi condotel là một dạng nhà ở, hai là chỉ coi đây như một sản phẩm kinh doanh dạng du lịch. Tuy nhiên, quy định Nhà nước là không cho phép sử dụng căn hộ nhà ở cho mục đích khác ngoài để ở và pháp luật cũng chưa công nhận condotel là nhà ở. Điều này dấy lên băn khoăn rằng nếu xảy ra tranh chấp thì giao dịch pháp luật nào sẽ được đưa ra để điều chỉnh?
Vấn đề pháp lý khi sở hữu căn hộ condotel là băn khoăn của nhiều nhà đầu tư.
Theo quy định của pháp luật, nhà ở được sở hữu lâu dài, nếu không phải nhà ở thì chỉ được sở hữu theo thời hạn dự án. Theo Luật Du lịch, căn hộ du lịch hay biệt thự chỉ là cơ sở lưu trú chứ không phải nhà ở, vậy nên không thể gọi condotel là nhà ở và quản lý theo kiểu nhà ở được. Ngoài ra, người sở hữu condotel cũng không có quyền tương tự như sở hữu nhà ở.
"Chúng tôi cũng đã có những báo cáo tài chính với Chính phủ về vấn đề này và đang trên con đường tiếp tục thảo luận xác định quan điểm này như thế nào. Nếu không xác định rõ khái niệm này thì năm 2018 sẽ xảy ra nhiều bàn cãi tranh luận gây ra rủi ro không đáng có cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức", ông Khởi kết luận.
Quản lý condotel như thế nào?
Đồng ý kiến với Phó Cục trưởng Nguyễn Mạnh Khởi, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC nói rằng không thể ghép chung condotel với loại hình nhà ở được mà chỉ coi đây là một dịch vụ kinh doanh du lịch.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC Group.
Theo ông Đặng Huy Đông, Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc kinh doanh condotel cũng không nhất thiết phải được quy định điều kiện kinh doanh. Việc áp dụng quá nhiều điều kiện kinh doanh có thể ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của nhà đầu tư, làm khó họ.
"Theo tôi không cần thiết quy định điều kiện kinh doanh. Theo luật nhà ở, tôi sẽ mua nhà ở. Còn theo mục tiêu kinh doanh, tôi biết hợp đồng là 50 năm thì tôi sẽ mua. Hợp đồng là thuận mua vừa bán nên có thể chúng ta sẽ tạo ra một điều kiện kinh doanh không cần thiết. Chúng ta phải biết được chúng ta quản lý cái gì và tại sao quản lý cái đó", ông Đông nhấn mạnh.
Về thời hạn trao đổi và sử dụng condotel, ông Khởi cho rằng điều này phụ thuộc vào dòng đời dự án. Theo luật đất đai, có thể được gia hạn 50 năm hay 70 hoặc hơn. Tuy nhiên, vì không coi condotel là loại hình nhà ở nên không được cấp cơ chế như nhà ở.
Có nên đầu tư condotel năm 2018?
Vấn đề về trách nghiệm và quyền lợi khi sử dụng/kinh doanh condotel là băn khoăn lớn nhất của các nhà đầu tư, do vậy nếu vấn đề này được giải đáp một cách rõ ràng thì lượng đầu tư về condotel sẽ còn tăng nhiều hơn so với năm trước.
Trên thực tế, có những chính quyền địa phương hành xử hơi khác nhau với condotel. Để tránh những hành xử khác biệt giữa chính quyền địa phương, cần phải có hướng dẫn về mặt quản lý để tạo ra hành xử thống nhất, khi nào thì áp dụng Luật Dân sự, khi nào thì áp dụng Luật Đất đai.
Nếu đặt condotel như một sản phẩm du lịch, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch thì rõ ràng phải tạo điều kiện để thu hút dòng tiền vào khu vực này, ví dụ như việc giao đất vô thời hạn cho chủ đầu tư để chủ đầu tư giao dịch với nhà đầu tư theo hợp đồng.
Điều này giúp cho việc quản lý condotel trở nên dễ dàng hơn, tương tự các loại hình bất động sản trước đây. Các nhà đầu tư cũng không còn băn khoăn vấn đề may rủi khi quyết định đầu tư kinh doanh loại hình này, chỉ làm việc dựa trên hợp đồng xác nhận 2 bên.
"Tất cả các giao dịch khi căn cứ vào hợp đồng dân sự, nhà đầu tư và chủ đầu tư sẽ có những quy định đảm bảo. Mong rằng các địa phương sẽ được hướng dẫn về vấn đề này theo quy định của Bộ luật Dân sự. Nếu áp dụng ngay được thì tôi tin là vốn đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng năm 2018 sẽ tăng, không phải là con số 60% như năm 2017", ông Quyết bổ sung.
Nếu chờ luật sẽ hạn chế phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, không thể đáp ứng được yêu cầu của Nhà nước, Chính phủ về việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chỉ cần thống nhất được vấn đề này, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ còn phát triển hơn nữa vào năm 2018, đồng thời sẽ không còn tình trạng hiểu sai, gây tranh chấp về vấn đề căn hộ condotel.