Cho đến nay, việc chưa để các ngân hàng yếu kém phá sản được xem là giải pháp quá độ, phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu kéo dài thời gian thực hiện giải pháp này cũng sẽ gây ra những hệ lụy khác.
Để các ngân hàng hoạt động yếu kém “được” phá sản theo quy luật kinh tế thị trường thì cần phải nhanh chóng hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, để giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể có đến nền kinh tế và sự ổn định xã hội.
Việc cho phá sản các ngân hàng yếu kém có thể được thực hiện mà không sợ đánh mất lòng tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng nếu như lợi ích của họ được bảo vệ. Ảnh: TL
Luật cho phép, nhưng...
Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010 quy định: TCTD phải làm đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD vẫn lâm vào tình trạng phá sản (điều 155).
Theo Luật Phá sản năm 2014 thì sau khi NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD vẫn mất khả năng thanh toán thì TCTD hoặc NHNN có quyền nộp đơn yêu cầu phá sản. Nếu TCTD và NHNN không thực hiện quyền này thì chủ nợ, người lao động, công đoàn, cổ đông hoặc nhóm cổ đông... có quyền nộp đơn yêu cầu phá sản (điều 98).
Tuy nhiên, suốt thời gian qua không ít lần NHNN đã phải “ra tay” giải cứu các ngân hàng hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ để duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, thay vì cho phá sản.
Việc “bao cấp” của NHNN một mặt nhằm bảo vệ người gửi tiền, đảm bảo tính an toàn của hệ thống ngân hàng, nhưng mặt khác cũng tạo tâm lý ỷ lại cho không ít ngân hàng. Họ có thể hoạt động thoải mái còn chuyện “hậu sự”, rủi ro đã có Nhà nước lo.
Nhận thấy sự “bao cấp” của NHNN là không công bằng và tiềm ẩn rủi ro lớn cho nền kinh tế nên Chính phủ đã “bật đèn xanh” cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong đó có nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện ngay trong giai đoạn 2017-2018 là “kiên quyết xử lý nợ xấu tại các TCTD, lành mạnh hóa thị trường tài chính, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu một cách hiệu quả và thực chất, áp dụng các biện pháp phá sản đối với các ngân hàng thương mại yếu kém”.
Phá sản là cần thiết
Trong kinh doanh, mọi doanh nghiệp đều bình đẳng, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, vì vậy việc kinh doanh thua lỗ dẫn đến chấm dứt hoạt động là việc bình thường.
Về mặt cơ sở pháp lý, theo chuyên gia pháp luật Lê Văn Sua, thủ tục phá sản TCTD được quy định tại chương VIII (từ điều 97-104) của Luật Phá sản năm 2014 và điều 155 Luật các TCTD năm 2010. Như vậy, ngân hàng vẫn thuộc đối tượng phá sản và việc phá sản của ngân hàng cũng như mọi loại hình doanh nghiệp khác.
Một câu hỏi được đặt ra hiện nay là: Tại sao ngân hàng thương mại kinh doanh có lãi thì các ông chủ được hưởng còn kinh doanh thua lỗ thì Nhà nước phải gánh chịu - đứng ra bảo đảm tính thanh khoản cho họ?
Theo chuyên gia Lê Văn Sua, hoạt động gửi tiền của tổ chức, cá nhân bản chất là một hợp đồng dân sự được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự. Vì vậy, việc rủi ro trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng trong điều kiện hoàn cảnh có thay đổi là hoàn toàn có thể xảy ra. Bản thân người gửi tiền, họ cũng đã có hưởng lợi ích nhất định từ việc gửi tiền và họ hoàn toàn có quyền lựa chọn ngân hàng khi gửi tiền, ngoài ra họ còn được bảo hiểm tiền gửi. Chưa kể khi giải quyết phá sản ngân hàng thì họ vẫn được xem là một chủ nợ và được phân chia tài sản còn lại của ngân hàng tùy theo trường hợp cụ thể.
Cho nên, nếu việc tiếp tục không để cho các ngân hàng kinh doanh thua lỗ phá sản sẽ tạo ra một tiền lệ xấu. Quan niệm đã thành lập ngân hàng thì không thể phá sản cần phải thay đổi. Bởi chính quan niệm sai lầm này mới có hiện tượng tranh nhau thành lập hàng loạt ngân hàng, mở hàng loạt chi nhánh, phòng giao dịch để thực hiện hoạt động kinh doanh; trong khi việc kiểm soát rủi ro, nợ xấu, tính thanh khoản lại không được quan tâm đúng mức, đến khi họ rơi vào tình trạng khó khăn thì lại được Nhà nước giúp đỡ.
Các nước xem việc phá sản ngân hàng là việc bình thường như những doanh nghiệp khác. Trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa rồi, một số ngân hàng ở Mỹ và các nước cũng phá sản. Không nên vì sự yếu kém của những người quản lý trong một số ngân hàng mà để cả xã hội phải gánh chịu, gây bất bình đẳng trong việc quản lý điều hành doanh nghiệp.
Cần một hành lang pháp lý đầy đủ
Việc cho phá sản các ngân hàng yếu kém có thể được thực hiện mà không sợ đánh mất lòng tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng nếu như lợi ích của họ được bảo vệ.
Muốn vậy phải hoàn thiện các quy định về bảo hiểm tiền gửi.
Theo các chuyên gia kinh tế, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi (theo quy định hiện hành là 50 triệu đồng) đang làm giảm hiệu quả chính sách bảo hiểm cũng như ảnh hưởng đến niềm tin công chúng đối với hệ thống tài chính, ngân hàng. Vì vậy, cần nâng mức bảo hiểm tiền gửi mới tạo được lòng tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng, lành mạnh hóa thị trường tài chính.
Có lẽ đã đến lúc Quốc hội cần xem xét sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi (2012) - tạo hành lang pháp lý để hoạt động của bảo hiểm tiền gửi phát huy tối đa vai trò bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, góp phần đảm bảo cho hệ thống tài chính phát triển an toàn và bền vững.
Quang Chung (Thời báo kinh tế Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.