28/07/2021 8:40 AM
Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ phải có giải pháp chấm dứt việc đầu tư dàn trải, gây lãng phí khiến đất nước mất đi bao nhiêu cơ hội…

Chiều 27-7, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại hội trường về kế hoạch tài chính, kế hoạch vay trả nợ công và kế hoạch đầu tư công giai đoạn năm năm tới 2021-2025.

Đã phân cấp rõ nhưng dưới vẫn đùn đẩy lên trên

Tại buổi thảo luận, đại biểu (ĐB) QH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho hay có sự thật gây tranh cãi lâu nay là khi đánh giá những hạn chế thì pháp luật bao giờ cũng là nguyên nhân đầu tiên.

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai.

Bà Mai dẫn chứng hàng loạt báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ I đều nêu hệ thống pháp luật, thể chế có “bất cập”, “chưa đồng bộ”, “cồng kềnh”… “Thế nhưng hầu hết các báo cáo đều chưa chỉ ra được, đó là điều khoản nào, nội dung gì” - bà Mai nói và tỏ ra băn khoăn khi tại phiên làm việc tuần trước của QH về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh không thấy các vướng mắc này được đề xuất sửa đổi…

ĐB Mai đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát tổng thể hệ thống pháp luật về kinh tế, đề xuất QH sửa và kịp thời đánh giá lỗi do khâu tổ chức thực hiện để tránh “những nghi ngại đối với hệ thống pháp luật”.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết những hạn chế các ĐB nêu không phải do Luật Đầu tư công năm 2019 mà còn liên quan nhiều luật, nhiều cấp, nhiều ngành khác, quy định liên quan đến Luật Đầu tư công chậm sửa đổi. Việc phân cấp, phân quyền rõ, chưa gắn với trách nhiệm giải trình và kết quả thực hiện. “Phân cấp rõ ràng rồi, luật rất rõ rồi nhưng rất nhiều địa phương vẫn né tránh, đùn đẩy và liên tục hỏi lại trung ương để hướng dẫn lại những vấn đề đã rõ, mất rất nhiều thời gian và không cần thiết” - ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, “trung ương giờ chỉ làm nhiệm vụ bố trí, phân bổ vốn theo kế hoạch”, mọi khâu còn lại đều thuộc thẩm quyền của địa phương. Vì vậy việc đầu tư dàn trải, bố trí vốn chậm, giao vốn chậm “nằm ở ngay địa phương do chọn dự án không đúng”.

Theo đó, ông cho hay giải pháp sắp tới là cần phải sửa đổi đồng bộ pháp luật liên quan và chú trọng khâu tổ chức thực hiện. “Tôi đồng tình là có những vấn đề liên quan đến thể chế nhưng chủ yếu vẫn là khâu tổ chức thực hiện. Bởi vì sao? Cùng một mặt bằng vẫn có tỉnh làm tốt nhưng vẫn có tỉnh không thực hiện tốt. Đây chắc chắn là do khâu tổ chức thực hiện” - bộ trưởng KH&ĐT nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tại nghị trường. Ảnh: CTV

Lấy ngân sách làm vốn mồi, đầu tư có trọng điểm

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhận định 2,8 triệu tỉ đồng cho kế hoạch đầu tư công năm năm tới không thấm tháp gì so với nhu cầu. Do đó phải xác định vốn đầu tư công là “vốn mồi” để thu hút thêm nguồn khác đầu tư. Cụ thể là đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) vì đã có bài học thành công về loại hình đầu tư này tại các dự án sân bay Vân Đồn, cao tốc Vân Đồn - Quảng Ninh.

ĐB Cường cũng đề nghị cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn giải phóng mặt bằng vì hiện nay có rất nhiều dự án đầu tư công vướng mắc khâu này. “Dự án nào giải phóng mặt bằng chậm, cần tách ra để làm dự án riêng để không còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm chậm do giải ngân” - ông Cường nói.

Còn ĐB Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) thì đề nghị nên tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các vùng, các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia. “Như tuyến đường ven biển Bắc Nam, cần xem xét tính cấp thiết, có thể thực hiện từng đoạn trong tuyến đường đó chứ không phải là đầu tư cả tuyến đường” - ông nói.

Cùng nội dung này, ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) đề nghị ưu tiên đầu tư trước 700/1.700 km tuyến đường ven biển Bắc Nam ở khu vực ĐBSCL để thúc đẩy hạ tầng cho vựa nông sản lớn nhất nước này phát triển, phát huy hiệu quả lâu dài trong tương lai.

Về giải pháp, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới đã tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho các dự án quan trọng, trọng điểm quy mô lớn, tạo không gian phát triển mới. Tăng cường liên kết vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các vùng, các địa phương.

“Đảm bảo vừa tạo động lực cho các cực tăng trưởng, các vùng kinh tế trọng điểm nhưng cũng vừa hỗ trợ cho các tỉnh khó khăn có điều kiện để vươn lên và đảm bảo cân đối hài hòa giữa các lĩnh vực và giữa các tỉnh, giữa các vùng, miền, tuy nhiên chưa thể tuyệt đối hóa được” - ông nói.

Dân xót xa, đất nước mất cơ hội

Theo ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh), “người dân cảm thấy xót xa” trước những dự án trọng điểm chậm tiến độ, đội vốn gây lãng phí ngân sách. Điển hình như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông và nhiều dự án khác đã khiến đất nước mất đi không biết bao nhiêu cơ hội. Cùng với đó việc nhiều địa phương không cân đối được ngân sách, mua sắm, sử dụng tài sản công chưa đúng pháp luật.

“Đầu tư công nói bao nhiêu năm rồi, lúc nào bàn cũng nóng nhưng vẫn dàn trải, lãng phí và còn có thể lặp lại nhiều năm nữa” - ông Bình nói và cho rằng đã đến lúc phải giải tỏa những “nút thắt về thủ tục” để khuyến khích khối tư nhân tham gia…

Nhóm PV (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.