Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị lãnh đạo cấp cơ sở phải chủ động tìm hiểu khó khăn của dân, đặt quyền lợi của dân lên trên hết.

Sáng 26-2, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã gặp gỡ, đối thoại với 312 chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn trên địa bàn.

Cùng dự còn có nhiều lãnh đạo UBND TP và các sở, ngành.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã gặp gỡ, đối thoại với chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn. Ảnh: T.Lâm

Quá tải công việc, xin tăng thêm cán bộ

Tại buổi gặp gỡ, đối thoại, vấn đề được nhiều lãnh đạo cấp xã đề cập là tình trạng quá tải công việc trong khi phải cắt giảm một số lượng lớn cán bộ không chuyên trách (theo Nghị quyết số 06/2020 của HĐND TP có hiệu lực từ ngày 1-12-2020 - Nghị quyết 06).

Ông Nguyễn Văn Ngân, Chủ tịch phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân), cho biết hiện phường có hơn 122.000 dân, áp lực về dân số rất lớn. Sau khi sắp xếp, giải quyết cán bộ dôi dư, phường gặp khó trong thực hiện nhiệm vụ. Các công việc cán bộ trước đây phải dồn lại cho những cán bộ đang công tác.

“Chỉ còn 14 cán bộ không chuyên trách, trừ lãnh đạo và Ban chỉ huy quân sự thì phường phải bố trí bốn người ở bộ phận tiếp nhận hồ sơ một cửa, còn lại bảy người thực hiện công tác chuyên môn. Do đó, áp lực công việc rất lớn. Cán bộ phải làm thêm giờ, ngoài giờ để đảm bảo công việc. Tính cả số cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách thì phường còn 37 người, mỗi cán bộ phải phục vụ 3.500 người dân” - ông Ngân nói. Ông kiến nghị UBND TP khi hoạch định chính sách cần lưu ý về dân số, số cán bộ công chức phường, xã cho phù hợp.

Tương tự, ông Phạm Văn Tiến, Chủ tịch phường 5 (quận Tân Bình), cũng đề nghị UBND TP kiến nghị với Bộ Nội vụ điều chỉnh số lượng cán bộ không chuyên trách ở các địa bàn đông dân. Ví dụ như 25.000 dân trở lên thì phải tính lại cán bộ không chuyên trách cho hợp lý hơn...

Chia sẻ về vấn đề thiếu công chức, Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân cho biết hiện nay biên chế công chức của TP đã vượt cao so với biên chế hằng năm được Bộ Nội vụ giao.

Về số lượng cán bộ không chuyên trách, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND TP kiến nghị trung ương nhiều lần. Tuy nhiên, trong phản hồi mới nhất, Bộ Nội vụ khẳng định quy mô dân số không phải là tiêu chí để phân bổ công chức và số cán bộ không chuyên trách nên hiện chưa có cơ sở trình Thủ tướng xem xét.

“Ai cũng hiểu công việc đổ về phường, xã, thị trấn nhưng quy định là như thế. Sở Nội vụ sẽ tổng hợp ý kiến về những bất cập để tiếp tục kiến nghị” - ông Nhân nói.

Phải luôn xem mình là công bộc của dân

Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong ghi nhận tất cả ý kiến và giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND TP và các sở, ngành liên quan khẩn trương giải quyết và trả lời cho từng phường, xã, thị trấn trước ngày 15-3.

Về nhiệm vụ trong năm 2021, ông Nguyễn Thành Phong lưu ý với các chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn về việc tập trung quyết liệt cho phòng, chống dịch COVID-19, coi đó là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, không được chủ quan, lơ là, không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn mình quản lý.

Để thực hiện chủ đề năm 2021 là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, ông yêu cầu chủ tịch cấp xã phải ý thức xây dựng một môi trường đầu tư thông thoáng bắt đầu từ chính địa phương mình. “Các hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp phải có quy trình, thời hạn xử lý và có thư xin lỗi nếu trễ hạn. Khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho người dân, doanh nghiệp” - ông Phong nói.

Ông yêu cầu từng phường, xã, thị trấn phải quyết tâm cao trong cải cách hành chính. Mỗi cán bộ, công chức phường phải xem mình là công bộc của nhân dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cho hiệu quả công tác cải cách hành chính tại địa phương mình.

Đối với việc thực hiện chính quyền đô thị, do không tổ chức HĐND cấp quận, phường nên ông Phong cho rằng trách nhiệm của UBND phường và chủ tịch UBND phường sẽ nặng nề hơn.

Ông yêu cầu chủ tịch UBND cấp xã, phường cần đặc biệt lưu ý việc tổ chức thực hiện đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát định kỳ để đảm bảo các chủ trương, chính sách của trung ương và TP đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất. “Lãnh đạo TP sẽ luôn theo dõi và sẽ tạo những điều kiện tốt nhất để các chủ tịch UBND phường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” - ông nói.

Đối với đơn vị hành chính mới TP Thủ Đức, ông Phong nhìn nhận thách thức đặt ra là số lượng cán bộ dôi dư nhiều (hơn 650 người). Do vậy, chủ tịch UBND phường ở TP Thủ Đức cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức mình quản lý để thực hiện việc sắp xếp một cách phù hợp nhất nhằm đảm bảo quyền lợi cho mọi trường hợp với tinh thần không để cán bộ, người dân nào phải chịu thiệt, bị ảnh hưởng trong giai đoạn hình thành TP Thủ Đức.

Theo ông Phong, TP tiếp tục xây dựng chính quyền cơ sở gần dân, sát dân, việc gì lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì hại đến dân phải hết sức tránh. Do vậy, ông yêu cầu các chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết, chủ động tìm hiểu khó khăn của dân theo hướng “cán bộ tìm dân, không để dân tìm cán bộ”. Cần giải quyết nhanh chóng những vấn đề bức xúc tại địa phương, nhất là lấn chiếm lòng lề đường, xây dựng sai phép, không phép, ô nhiễm môi trường, khiếu nại, khiếu kiện…

“Các kiến nghị của người dân phải được giải quyết kịp thời, đó là nền tảng ổn định để địa phương phát triển. Từng địa phương phát triển thì TP mới phát triển được” - ông Phong nói.

Không thể chấp nhận việc karaoke tự phát tra tấn

Trước phản ánh về tình trạng karaoke tự phát gây tiếng ồn tại các khu dân cư nhưng chính quyền cơ sở gặp khó khi xử lý, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết bản thân ông cũng thường xuyên nhận được tin nhắn của dân phản ánh về tình trạng này.

“Người dân đi làm một ngày lao động mệt mỏi, tối còn bị tra tấn bởi karaoke tự phát là không thể chấp nhận được. Các địa phương, sở, ngành cần thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề này. Phải thấy đây là vấn đề nhức nhối, chứ đừng nghĩ đây là chuyện bình thường” - ông nói và yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành và địa phương cần quyết liệt xử lý tình trạng karaoke tự phát gây khổ cho người dân.

Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết thời gian tới ngành môi trường sẽ rà soát, phối hợp với các sở, ngành thành lập một tổ liên ngành có công an, các sở và địa phương để lập biên bản xử phạt. Sở TN&MT sẽ tiếp tục đề xuất những giải pháp xử lý cụ thể.

Tá Lâm (Pháp Luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.