10/11/2020 9:55 AM
Theo Quyết định số 7353/2020/QĐ- PT của TAND Cấp cao tại Hà Nội, ngày 15/10/2020, vụ án “khiếu kiện quyết định hành chính về quản lý đất đai trong trường hợp thu hồi, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư…” của cụ Phạm Thị Lan cùng các con sẽ được đưa ra xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên, do có một số tình tiết cần phải làm sáng tỏ nên đến nay, vụ án chưa được được ra xét xử.

Phần đất đang có khiếu nại. Ảnh: LP

Phần đất đang khiếu nại có diện tích 1169,1m2 tại thôn Đại Lai 1, xã Phú Xuân, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình có nguồn gốc của gia đình cụ Hoàng Roan sử dụng để ở từ trước năm 1966, lúc đó trên thửa đất có cả nhà ở, vườn và ao. Sau đó vợ cụ Hoàng Roan đã nhượng lại toàn bộ diện tích cùng tài sản trên đất cho gia đình cụ Hoàng Nhiên. Năm 1968, gia đình cụ Hoàng Nhiên lại nhượng bán toàn bộ diện tích đất này và tài sản trên đất cho cụ Nguyễn Văn Mọi và cụ Phạm Thị Lan.

Cụ Mọi và cụ Lan sinh được 9 người con (nay còn 7). Trước khi chết (năm 2008), cụ Mọi không để lại di chúc định đoạt tài sản cho ai. Hiện, thửa đất thuộc quyền sử dụng của cụ Lan và các đồng thừa kế của cụ Mọi là 7 người con gồm: Nguyễn Hùng Vĩ, Nguyễn Thị Minh Gấm, Nguyễn Thị Minh (Hoa), Nguyễn Thị Thu (Dương), Nguyễn Thị Toan, Nguyễn Thị Lanh, Nguyễn Thị Kim Nhung.

Ngày 12/1/2018, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình có dự thảo phương án, hỗ trợ và giao đất ở mới dự án Xây dựng đường Kỳ Đồng kéo dài, đoạn từ đường Trần Thủ Độ đến quốc lộ 10 (đợt 5).

Theo thông báo này, cụ Lan và các con bị thu hồi 195,8m2 (phần diện tích đất bị thu hồi này có 1 nhà kiên cố 1 tầng xây năm 1990 và 1 nhà 2 tầng xây năm 1999 trong diện tích 1169,1m2 thuộc quyền sử dụng của cụ Lan và các con.

Cụ Lan và các con đã có ý kiến phản hồi về dự thảo phương án đền bù gửi các cơ quan có thẩm quyền (trong đó có UBND TP Thái Bình) với nội dung yêu cầu xác định 195,8m2 đất bị thu hồi là đất ở do phần diện tích đất bị thu hồi (dự kiến) là một phần nhỏ trong tổng diện tích đất của gia đình cụ Lan được quyền sử dụng theo quy định của pháp luật, đã được xây dựng 2 căn nhà kiên cố năm 1990 và năm 1999; đất ao trước đây (nay bị lấp) không bị thu hồi (dự kiến) theo sơ đồ trong hồ sơ địa chính phù hợp với thực tế…

Ngày 2/4/2018, cụ Lan và các con nhận được Quyết định số 897 của UBND TP Thái Bình về việc thu hồi đất và Quyết định số 899 về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Theo đó, thu hồi 195,8m2 đất thuộc quyền sử dụng của cụ Lan và các con kèm theo phương án bồi thường đối với phần diện tích đất bị thu hồi. Trong 195,8m2 đất bị thu hồi có 149m2 là đất ở, 46,5m2 là đất ao được bồi thường theo đơn giá bồi thường đất ở nhưng trừ đi nghĩa vụ tài chính bằng 100% tiền sử dụng đất theo giá đất cụ thể quy định tại quyết định hệ số điều chỉnh giá đất.

Quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND Cấp cao tại Hà Nội. Ảnh: LP

Sau khi đối chiếu các quy định của pháp luật hiện hành, chính sách đất đai, thực tế sử dụng đất và diễn biến quá trình trao đổi, thống nhất giữa các cơ quan có thẩm quyền với gia đình, cụ Lan và các con cho rằng quyết định thu hồi đất của UBND TP Thái Bình có nội dung không chính xác về người sử dụng đất, phương án bồi thường của UBND TP Thái Bình không hợp lý.

Cụ Lan và các con đã gửi đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND TP Thái Bình đề nghị xem xét, quyết định lại phương án bồi thường đối với phần diện tích đất của gia đình cụ Lan bị thu hồi.

Trong khi khiếu nại của cụ Lan và các con không được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo quy định, UBND TP Thái Bình lại tiến hành bồi thường, hỗ trợ tài sản gắn liền với đất bị thu hồi theo phương án bồi thường quy định trong Quyết định số 899 của UBND TP Thái Bình cho ông Nguyễn Hùng Vĩ (là 1 trong số 7 người con còn sống của cụ Mọi và cụ Lan) mà không có sự đồng ý, thống nhất của các thành viên khác trong gia đình - là đồng sở hữu tài sản, trái quy định của pháp luật.

Ngày 20/6/2018, Chủ tịch UBND TP Thái Bình ra Quyết định số 2758 về việc cưỡng chế thực hiện thu hồi đất. Đến nay UBND TP chưa thực hiện việc cưỡng chế.

Do đề nghị của cụ Lan và các con không được các cơ quan chức năng giải quyết thỏa đáng theo quy định của pháp luật nên cụ Lan và các con đã khởi kiện đến TAND tỉnh Thái Bình đề nghị hủy các quyết định số 899, 209, 897, 208, 2758, 239 của UBND TP Thái Bình; buộc UBND TP xây dựng lại phương án bồi thường đất với phần đất của gia đình người khởi kiện bị thu hồi theo hướng xác định toàn bộ phần diện tích đất thu hồi là đất ở và gia đình không bị trừ nghĩa vụ tài chính là tiền sử dụng đất…

Ngày 21/10/2019, TAND tỉnh Thái Bình đã mở phiên tòa xét xử vụ việc khiếu kiện quyết định hành chính về quản lý đất đai trong trường hợp thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, nguyên đơn là cụ Lan và các con. TAND tỉnh Thái Bình đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của cụ Lan và các con.

Không đồng ý, cụ Lan cùng các con kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và cho rằng, TAND tỉnh Thái Bình đã vi phạm điểm c khoản 1 Điều 187 Luật Tố tụng Hành chính về việc tuyên bản án trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người khởi kiện.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Nhung, Nguyễn Thị Minh (con gái cụ Lan), cụ Mọi đã chết từ năm 2008, quyền thừa kế đã được mở nên cụ Lan và các con là đồng thừa kế (theo pháp luật dân sự). Việc UBND TP Thái Bình xác định chỉ đền bù cho ông Nguyễn Hùng Vĩ là tước bỏ quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất của những người thừa kế khác của cụ Mọi; TAND tỉnh Thái Bình bác nội dung khởi kiện của cụ Lan và các con đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người khởi kiện.

Luật sư Hoàng Tùng, Công ty Luật Trung Hoà cho biết, UBND TP Thái Bình căn cứ quy định tại Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP để tính toán bồi thường đất ở nhưng phải trừ nghĩa vụ tài chính bằng 100% tiền sử dụng đất theo giá đất cụ thể quy định tại quyết định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2017 (theo quy định tại Điều 13 Nghị định 47/2014/NĐ-CP, khoản 3 Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và khoản 2 Điều 6, khoản 2 Điều 7 Nghị định 45/2014/NĐ-CP) cho gia đình cụ Lan là hoàn toàn không có căn cứ. Các căn cứ này chỉ được áp dụng đối với trường hợp khi diện tích đất bị thu hồi có nguồn gốc là đất nông nghiệp không liền kề đất được tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở.

Cũng theo luật sư Hoàng Tùng, trong trường hợp này, diện tích đất của cụ Lan và các con phải được xác định diện tích ở đối với trường hợp có vườn, ao theo Điều 103 Luật Đất đai 2013 và áp dụng quy định tại khoản 1, Điều 6, Nghị định số 45/2014/NĐ-CP không thu tiền sử dụng đất mới bảo đảm đúng quy định.

Đối với diện tích đất 46,5m2 của gia đình cụ Lan khi bị thu hồi phải được bồi thường với mức 100% mà không bị trừ nghĩa vụ tài chính như trong phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hiện nay.

Đối với Bản án số 06/2019/HC-ST của TAND tỉnh Thái Bình, theo luật sư Hoàng Tùng, trong quá trình xét xử, TAND tỉnh Thái Bình không áp dụng các căn cứ quy định của pháp luật để xác định lại diện tích đất ở trong trường hợp có vườn, ao theo quy định tại Điều 103 Luật Đất đai 2013 đối với diện tích đất của gia đình cụ Lan do nguồn gốc và quá trình sử dụng từ trước năm 1966 với mục đích đất ở và có vườn, ao trong cùng một thửa đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình cụ Lan.

“Việc TAND tỉnh Thái Bình áp dụng các quy định tại Điều 13 Nghị định 47/2014/NĐ-CP, khoản 3 Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và khoản 2 Điều 6, khoản 2 Điều 7 Nghị định 45/2014/NĐ-CP là trái với thực tế sử dụng đất của gia đình cụ Lan”, luật sư Hoàng Tùng khẳng định.

  • Còn 19 hộ dân chưa đồng thuận tại dự án tại Thái Bình

    Còn 19 hộ dân chưa đồng thuận tại dự án tại Thái Bình

    Chính quyền đền bù tiền đất cho người dân với giá 189.000đ/m2, sau đó bán đấu giá gấp gần 60 lần (hơn 11 triệu đồng). Cho rằng điều đó quá “bất công”, 19 hộ gia đình tại thôn Tống Thỏ Nam (xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình) liên tục kêu cứu vì chưa đồng thuận.

Lê Phương (Thanh Tra)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.